Những món bánh dân dã mà ngon miệng được coi là đặc sản quê nhà Nha Trang sẽ thu hút bạn ngay từ lần đầu thưởng thức.
1. Bánh bèo
Bánh bèo là một loại bánh bình dân rất được ưa thích ở Nha Trang. Nguyên liệu chính để làm bánh là bột gạo. Gạo sau khi xay thành bột mịn, người thợ pha vào một ít nước lọc để bột lỏng nhưng vẫn giữ được độ dẻo nhất định.
Người thợ đổ bột vào những chiếc khuôn bánh nhỏ và đem hấp. Trong quá trình hấp phải canh lửa thật lớn, để bánh chín đều, mềm và dẻo. Ăn bánh bèo không thể thiếu tôm cháy. Màu vàng của tôm tăng thêm sự đẹp mắt, thơm ngon cho món ăn. Tôm mua về được làm sạch, luộc chín, bóc bỏ vỏ, cho phần thịt vào giã thật nhuyễn. Làm nóng chảo trên bếp, cho tôm đã giã nhuyễn vào và rán đều đến khi tôm mịn và khô là được.
Bánh bèo hấp dẫn với màu trắng của bột gạo, màu vàng rộm của tôm cháy sẽ tròn vị hơn với chén nước mắm ngọt cay xé lưỡi, là chất xúc tác làm cho món ăn dân dã này trở nên ngon miệng.
2. Bánh đập thịt nướng
Nói đến bánh đập, không người dân Khánh Hòa nào không biết. Món ăn là sự kết hợp giữa bánh tráng nướng, bánh ướt, ăn kèm với thịt nướng hoặc bạn có thể ăn với thịt luộc hay lòng lợn... Ăn bánh đập không thể thiếu chén mắm nêm với vị cay đặc trưng của người dân miền biển.
Ghép một miếng bánh tráng nướng và bánh ướt lại, thoa lên bề mặt một ít mỡ hành, tôm cháy, sau cùng là thịt nướng hay thịt luộc... gập đôi, chấm vào chén mắm nêm và thưởng thức. Cái giòn rụm của bánh tráng, độ mềm dẻo của bánh ướt hòa quyện vào nhau trong vị đậm đà của mắm nêm, miếng thịt nướng chín vàng, thơm phức đem lại cảm giác ngon miệng rất thích thú.
3. Bánh ướt
Nổi tiếng và được nhiều người biết đến nhất là bánh ướt Diên Khánh, một huyện giáp ranh với thành phố Nha Trang. Bánh ướt có thành phần tương tự như bánh cuốn miền Bắc, chỉ khác là bánh cuốn có nhân, bánh ướt thì không nhân.
Nguyên liệu chính làm bánh ướt là bột gạo pha chung với một ít bột lọc để khi tráng bánh mỏng nhưng không bị rách, bánh vừa mềm và hơi dai. Bột sau khi pha được tráng thành một lớp mỏng trên lớp màng vải mỏng được căng trên một nồi hơi. Quá trình hấp bột sẽ tạo thành một màng mỏng gọi là bánh, thời gian hấp từ 1 đến 2 phút tùy độ dày của bánh.
Người dân Khánh Hòa thường ăn bánh ướt với nước mắm chua ngọt, tuy nhiên, bạn có thể thưởng thức món ăn này với thịt nướng, thịt heo quay, lòng heo, tôm, nem...
4. Bánh căn
Đây là một loại bánh rất nổi tiếng của các tỉnh ven biển miền Trung, có hình dáng gần giống với chiếc bánh khọt của người miền Nam. Nguyên liệu chính để làm bánh căn là gạo. Gạo được ngâm mềm, xay thành bột và đổ chín trên những chiếc khuôn bánh bằng đất nung.
Nhân của bánh căn rất phong phú và đa dạng, có nhiều loại như: thịt, trứng, nấm, mực, tôm... mỗi loại nhân mang đến cho người ăn cảm giác ngon miệng khác nhau. Bên cạnh sự phong phú về các loại nhân, nước chấm cũng là một điểm hấp dẫn của món ăn này. Nước chấm có màu đỏ tươi, được pha hơi sánh và có vị chua ngọt hơi cay rất ngon miệng.
Bánh căn được ăn chung với các loại rau sống như xà lách, rau cải, húng quế, diếp cá và xoài xanh thái thành sợi nhỏ. Khi ăn bánh căn, người Nha Trang thường cho bánh vào trong chén, cho vào các loại rau, chan nước chấm vào, trộn đều và thưởng thức.
(Theo Vnexpress)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét