Món ăn ngon

Cách làm các món ăn ngon cho bạn và gia đình một bữa ăn ngon và ấm áp.

Địa điểm ăn uống

Cùng gia đình và bạn bè có những bữa ăn ngon và ấm cúng tại những địa điểm ăn uống yêu thích

Mẹo vặt nấu ăn

Cập nhật ngay những mẹo vặt giúp bạn nấu ăn ngon và nhanh.

Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

Bò nướng ngói ở đường Phan Chu Trinh - Quận 1

Món ăn đơn giản với một đĩa thịt bò được ướp sẵn, một chén nhỏ dầu ăn, bếp than hồng, miếng ngói nhỏ dùng làm vỉ nướng, đĩa rau sống, bánh tráng, bún và chén nước chấm. Tuy đơn giản là thế nhưng món ăn này mang đến sự thích thú cho thực khách khi được tự tay mình nướng chín vàng những lát thịt bò tươi ngon.


Đầu tiên, bạn đặt miếng ngói nhỏ lên bếp than hồng, khi miếng ngói nóng, múc vài thìa dầu rưới lên, chén dầu đặt ngay bên dưới miếng ngói để hứng dầu chảy xuống. Từng lát thịt bò đã ướp gia vị được cho lên nướng, trong quá trình nướng, thỉnh thoảng lại múc một thìa dầu rưới lên để thịt bò không bị cháy và thơm ngon.


Những lát thịt bò được nướng chín vàng hấp dẫn, tỏa mùi thơm nức kích thích bao tử khiến bạn chỉ muốn thưởng thức ngay. Món bò nướng ngói có cách thưởng thức như những món cuốn khác. Đầu tiên bạn lấy một miếng bánh tráng mỏng, cho lên đó các loại rau như xà lách, tía tô, diếp cá, húng thơm, húng quế, một ít bún, vài lát thịt bò cuốn tròn lại chấm vào chén mắm nêm và thưởng thức.

Địa chỉ: Khu ẩm thực chợ đêm Bến Thành, khu vực cửa đông, đường Phan Chu Trinh (quận 1).

Chiếc bánh tráng mỏng, chén nước chấm đậm đà, nguyên liệu ăn kèm phong phú, các món cuốn sẽ đem đến cho người ăn cảm giác vô cùng ngon miệng.

Cá lóc hấp bầu ở đường Huỳnh Văn Bánh - Phú Nhuận

Quả bầu được làm sạch, khoét bỏ ruột. Cá lóc lựa chọn loại cá béo, làm sạch, ướp với một ít gừng và rượu để khử mùi tanh của cá. Dùng dao khứa những đường chéo trên thân cá, ướp cá với các loại gia vị như: muối, hạt nêm, nước mắm, đường... Sau đó cho cá vào trái bầu và đem hấp.


Ngoài thành phần chính, thì tùy theo sở thích của từng người, có thể cho thêm các nguyên liệu ăn kèm như: nấm rơm, súp lơ, hành lá.... Cá lóc hấp bầu là món ăn chơi, ăn kèm với món này gồm có bánh tráng, xà lách, rau thơm, húng quế, cà rốt thái sợi, bún tươi... và không thể thiếu chén nước chấm chua cay, được pha thêm một ít mỡ hành, lạc.

Bánh tráng, xà lách, vài cọng rau thơm, một ít bún tươi, thịt cá, cuốn tròn lại chấm vào chén nước mắm và thưởng thức. Cái vị chua cay của nước chấm hòa trong hương thơm của các loại rau, cùng đó là sự tương tác giữa vị ngọt của bầu và thịt cá, cả hai như lan tỏa, thấm đẫm vào nhau trong hương thơm thoang thoảng làm cho người ăn ngất ngây.

Địa chỉ: 347/13 Huỳnh Văn Bánh, phường 11, quận Phú Nhuận, TP HCM.

Cá lóc nướng - Tân Bình

Đây là món ăn được ưa thích ở miền Nam, những con cá lóc đồng được bắt về làm sạch, bỏ lên chảo dầu chiên vàng ươm, ăn kèm với bánh tráng và rau sống.


Bánh tráng để ăn món này thường là các loại bánh mỏng, to hơn bàn tay người lớn một chút. Khi ăn, bạn nhúng miếng bánh tráng qua nước, cho lên một ít rau như: xà lách, húng thơm, húng quế, dưa leo, bún tươi và một miếng thịt cá, cuốn tròn lại chấm với nước chắm và thưởng thức. Món ăn dân dã và thơm hương đồng ruộng đem lại cho bạn cảm giác ngon miệng không thể nào quên.

Địa chỉ: 28 Lê Bình, phường 4, Tân Bình, TP HCM.

Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

Thịt luộc cuốn bánh tráng - Quận 3

Trong các món cuốn, bánh tráng cuốn thịt heo là món ăn đơn giản, bình dân và quen thuộc nhất từ Bắc vào Nam. Chỉ với vài xấp bánh tráng mỏng, một đĩa thịt luộc thái lát và chén nước chấm đậm đà là các thành viên trong gia đình đã có một bữa ăn ngon miệng. Chế biến món này rất đơn giản, điều quan trong nhất là luộc thịt, bạn phải biết cách giữ lửa lúc luộc, sao cho thịt không chín nhanh quá hay chậm quá. Như vậy, phần mỡ mới có độ trong, miếng thịt mềm và thơm.


Thưởng thức món ăn này cũng đơn giản không kém, một miếng bánh tráng, bên trên là các loại rau, một lát thịt luộc, cuốn tròn lại chấm vào chén mắm nêm (bạn cũng có thể thay thế bằng nước mắm chanh tỏi ớt) và thưởng thức. Vị thơm của các loại rau hòa lẫn vào nhau, vị ngọt thơm của thịt luộc hòa trong cái đậm đà của nước chấm làm bạn không muốn dừng tay thưởng thức.

Địa chỉ tham khảo: Nhà hàng Hoàng Ty 70-72 Võ Văn Tần, quận 3, TP HCM.

Một số mẹo vặt nấu ăn


1. Khi nấu canh cải xoong, bạn nên cho cải xoong vào trước. Sau khi vớt rau ra mới cho cà chua vào. Như vậy, rau sẽ giữ được màu xanh mát và không bị ngả vàng.

2. Khi xào đỗ, bạn nên trụng đỗ qua nước sôi để đỗ mềm và ngấm hơn.

3. Khi bạn luộc mỳ spaghetti, bạn nên cho một chút muối tinh vào nước. Mỳ sẽ đậm đà hơn.

4. Những lúc vội vã, bạn có thể dùng cách bóc vỏ cà chua sau: đun sôi một ít nước, khía hình chữ thập ở đít quả cà chua rồi úp phần đấy vào nước sôi. Đợi một lúc vỏ cà chua sẽ tự bong ra.

Cách làm bắp bò ngũ vị

Từng miếng thịt bò mềm thơm mùi ngũ vị, rất lạ miệng, hấp dẫn. Mất chút thời gian nhưng món ăn sẽ khiến cả nhà tấm tắc khen ngon.

Nguyên liệu:

Thịt bắp bò: 2.5 kg
Gói gia vị ướp thịt: 1 gói (hồi, quế, móc mật, cam thảo, thảo quả, sa nhân, dầu đinh hương)
Gừng: 1 củ
Tương xì dầu: 15 ml
Dầu lạc: 20 ml
Ớt khô: 5 gram (có thể dùng ớt tươi), ớt bột: 5 gram
Phẩm hoa hiên: 5 gram
Muối: lượng vừa đủ


Cách làm:

Ớt khô, hồi, quế, thảo quả rửa sạch, dùng vải xô sạch bọc lại
Gừng rửa sạch, thái miếng.
Thịt bò thái miếng to, rửa sạch dưới vòi nước, ngâm trong nước 1 tiếng đồng hồ để thịt bớt mùi gây, nửa tiếng thay nước 1 lần.
Luộc thịt bò sơ qua để loại bỏ đi bọt máu.


Bỏ thịt bò và các hương liệu vào nồi, thêm lượng nước sạch vừa đủ ngập thịt, muối, xì dầu. Vặn to lửa đun đến khi nước sôi thì vặn nhỏ lửa đun trong 40 phút. Sau đó lại đun sôi rồi đun nhỏ lửa trong 30 phút, rồi để ngâm trong nồi 30 phút


Thịt bò sau khi đã luộc xong, vớt ra đĩa để nguội.



Lưu ý:

Trước khi luộc thịt bò, xắt thịt bò ra thành miếng nhỏ, để huyết bò chảy ra, nước nụ dễ ngấm vào bên trong thịt.
Tăng giảm lượng muối và xì dầu phụ thuộc vào độ mặn và màu sắc của nước luộc.
Thịt bò nên chọn thịt có gân, món sẽ càng ngon hơn.
Thịt bò luộc sau khi để nguội nên để tủ lạnh qua 1 đêm, khi thái miếng trông sẽ đẹp mắt hơn, dễ thái hơn.

Giòn ngọt sò lụa Hội An

Ở Hội An, nếu khách không có nhu cầu tắm biển có thể ngồi hóng mát, cùng bạn bè thưởng thức các món mực cơm, hàu, nghêu,… và đặc biệt không thể thiếu các món ăn từ sò lụa.

Sò lụa là một loại hến biển, bề ngoài có giống sò huyết nhưng vỏ trơn, không sọc, láng lại có những vân hình chữ chi. Tại vùng biển miền Trung, sò lụa thường xuất hiện nhiều vào những ngày đầu hè. Sò lụa bắt về, được cư dân trên biển lựa những con to, tươi ngon nhất phân phối cho các đầu mối (quán nhậu, nhà hàng, khách sạn...). Sò lụa thịt ngòn ngọt, giòn giòn nên chế biến kiểu gì cũng khoái khẩu, từ nấu cháo cho đến nướng, hấp...


Trước khi chế biến, sò lụa bao giờ cũng phải được ngâm kỹ với nước vo gạo hoặc nước sạch pha muối.

Những hôm trời nắng nóng, thực đơn của người vùng biển Hội An không thể thiếu món cháo sò lụa. Cháo sò lụa không những bổ dưỡng, mà nhanh chóng giúp xoa tan mọi mệt mỏi của ngày hè oi bức. Gạo vo sạch, được rang lên rồi nấu thành cháo chín riu riu trên bếp. Sò lụa đã hấp, gỡ thịt phi hành thơm rồi xào qua, tất cả cho vào nồi cháo đang sôi. Xong thêm tiêu chín đập dập, gừng giã nhỏ. Không quá nửa tiếng, đã có nồi cháo nghi ngút khói, điểm xuyến chút màu xanh của rau, chút đỏ hồng của ớt.

Phổ biến là món nướng. Sò lụa nướng chế biến không khó nhưng đòi hỏi sự kiên trì. Sò mới bắt về, để nguyên con đem chà rửa cho sạch rồi sắp lên vỉ nướng trên bếp than hồng. Sò nướng kỹ trên lửa than liu riu, không để lửa quá già. Khi nước sò nhỏ từng giọt, mùi thơm bốc là đã chín. Thực khách vừa thổi vừa banh vỏ, vắt chút chanh, chấm muối tiêu rồi húp nước từ thân con sò.

Sò lụa luộc ấn tượng không kém món nướng. Cho sò vào nồi nước đang sôi cùng với vài cộng sả giã dập, ớt tươi cắt mỏng, một ít mắm muối cho vừa miệng. Đợi cho nồi nước luộc sôi năm bảy phút là được. Món này ăn kèm bánh tráng giòn thì thật tuyệt. Vị bùi bùi của bánh tráng, vị mằn mặn, ngòn ngọt, beo béo của sò lụa, thử một miếng mới hiểu tại sao sò lụa luộc khiến nhiều người sau khi thưởng thức khó mà quên được.

Một chiều đến với bãi biển Hội An, sau khi đã tha hồ nô đùa, vui chơi thỏa thích bạn lại được thưởng thức từng con sò nướng hay hấp lá gừng thơm lừng... Vừa ngon lại khá hợp với túi tiền, còn gì thú vị bằng!

Bài và ảnh Phan Thị Thanh Ly

Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Nem nướng Nha Trang


Nem nướng Vũ Thành An 15 Lê Lợi. Thật là đáng tiếc nếu chuyến du lịch nha trang của bạn không có sự góp mặt của món nem nướng. Ăn nem nướng Ninh Hòa tại Vũ Thành An sẽ thấy không có gì khác biệt từ quê gốc của nó cách Nha Trang 34 cây số. Cách chế biến, pha chế nước mắm, cũng đều theo cách của cả gần mấy chục năm nay.

Một phần nem nướng khá cầu kỳ gồm khoảng 6-8 miếng thịt băm lụi, cũng số lượng đó miếng bánh tráng chiên dòn. Ăn kèm với món nem chính là các loại rau. Rau ăn nem nướng không phức tạp, nhưng cũng có cả chục loại đủ mùi cay, chua, chát... Tùy theo mùa rau có thể được bày ra gồm: dấp cá, hẹ, húng quế, tần ô, xà lách, dưa leo, chuối chát, khế (hoặc xoài sống)... có nơi có thêm dưa chua và hành chua. Đặc biệt là món nước chấm là loại nước lèo pha chế theo bí quyết riêng của quán. Bánh tráng không nhúng nước, bỏ rau vào, bỏ thịt lụi, bánh tráng chiên dòn vào, cuốn lại, chấm nước lèo mà ăn. Còn gì tuyệt vời hơn nữa?

Bánh canh Nha Trang

Bánh canh bà Thừa 55 Yersin, Nha Trang


Hết sớm thì nghỉ sớm, lại còn nghỉ nguyên cả ngày chủ nhật, không đón tiếp khách ân cần vội vã, không bàn ghế sang trọng, trái lại vẫn tấp nập khách tìm đến ăn. Đó chính là quán bánh canh bà Thừa.

Bánh canh Bà Thừa đựng trong chiếc tô độ chừng chỉ lớn gấp rưỡi cái chén ăn cơm, nên hầu hết người ăn đều ăn một lần hai tô mới vừa bụng. Tô nước dùng trong veo trong vương mùi cá biển, những sợi bánh canh nhỏ bằng nửa đầu đũa trắng màu bột gạo, vài miếng cá dằm nhỏ trắng màu cá tươi luộc chín. Điểm lên trên là hành hoa xắt thật nhuyễn. Kèm theo bánh canh là chả các chiên được xắt thành từng thỏi hình thoi nhỏ bằng đầu ngón tay, một đĩa chỉ có mấy miếng, bên trên cho thật nhiều hành tây, miếng nào cũng sừn sực, ngọt lắm! Mà đúng điệu, bánh canh cá, chả cá phải ăn với ớt tươi xay, thật nhiều. Vừa ăn vừa há miệng hít hà, vừa đổ mồ hôi mẹ, mồ hôi con mới ngon. Mấy người khách quen của quán khuyên: Đến thật sớm, ăn thử bánh canh ruột cá. Ngon lắm!

Kèm theo bánh canh là chả các chiên được xắt thành từng thỏi

Bánh canh đường Lý Thánh Tôn (Chỉ bán vào buổi tối)

Ăn bánh căn vào tiết trời se lạnh, quanh bếp lửa ấm nồng, người bán nhanh tay xoa dầu vào khuôn, quậy bột múc vào, đậy nắp, nở nắp, xúc bánh nhanh như múa... là một trải nghiệm thú vị không thể bỏ qua khi đến Nha Trang.


Khách ăn tới ngồi xung quanh, múc cho mình một chén nước chấm ưa thích (thường có hai loại: nước mắm ngọt và mắm nêm ăn kèm với đu đủ, su hào xắt lát vuông nhỏ. Có người ăn cả 2 thứ trên), thêm vào ít ớt xay cay cay và... chờ tới lượt. Người bán cứ tiếp bánh xoay vần, người này một cặp bánh giá, người kia một cặp bánh có tóp mỡ, người nọ một cặp để giòn.

Khách đông, bánh thường mềm hơn, nóng hôi hổi, phải ăn chậm lại, nhâm nhi cặp bánh với mấy lát đu đu cay cay giòn giòn, vô cùng khoái khẩu. Ít khách, người bán để bánh giòn. Bánh dư thì xúc ra cái đĩa bên cạnh để khách xóm mua về cho em bé , người già... chỉ thích ăn nguội. Chén nước chấm bánh căn nhìn khá “vĩ đại”, không chỉ có nước mắm mà được pha thêm nhiều thứ để trở thành một thứ tương tự như nước xốt. Nước chấm không quá mặn, hơi ngòn ngọt để khách có thể húp. Một chén mỡ hành với những miếng tóp mỡ giòn tan được dọn ăn chung với rau sống.

Nước chấm không quá mặn, hơi ngòn ngọt để khách có thể húp.

Địa điểm hải sản tươi sống giá rẻ tại Nha Trang


Đồ hải sản tươi sống giá rẻ các bạn hãy ghé đến quán Gió Biển – số 10 Phạm Văn Đồng (Trần Phú nối dài) - qua cầu Trần Phú khoảng 100m nhìn bên tay trái - quán vỉa hè nhưng ngồi cũng hay. Ở đây bán khá rẻ vì đây cũng là một trong những đầu mối thu mua hải sản có tiếng ở Nha Trang. Thực đơn ở đây khá đa dạng và phong phú, giá bình dân từ 15k- 45k/đĩa; lẩu từ 55k đến 90k tùy loại. Bạn có thể tự tay lựa chọn và giao cho đầu bếp nấu.

Muốn bình dân hơn nữa, bạn có thể lui lại vài chục mét, rẽ trái ngay đèn xanh đèn đỏ khi vừa xuống chân cầu Trần Phú (qua đường Tháp Bà), dọc theo con đường này có rất nhiều quán vỉa hè bán đồ hải sản rất phong phú về chủng loại và giá cả như các quán: Long Vũ- quán ốc Hiền; quán ốc Cây Dừa; quán hải sản Xuân Anh… Nhưng các bạn chú ý ở đây thì ăn là chính, nhậu thì không nên.

Nếu muốn làm vài ly với bạn bè thì có thể lui lại thêm vài chục mét nữa, các bạn đi dọc theo đường bờ kè dưới chân cầu Trần Phú, có rất nhiều quán nhậu hải sản như Hoàng Long; quán Bền; Nha Trang quán... giá cả phải chăng, vị trí cũng khá đẹp.

Bún bò Nha Trang


Bún Bò 15B Hoàng Hoa Thám, Nha Trang. Tuy không phải là đặc sản của Nha Trang, nhưng ai đã một lần ghé qua thành phố xinh đẹp này mà không thưởng thức một tô bún bò quả thật thiếu sót!

Nếu tô bún bò Huế khi ăn có thịt bò tái hay chả lụa "làm mặt", thì bún bò Nha Trang không có. Điểm lôi cuốn của tô bún bò là rổ rau, xà lách, bắp chuối xắt ghém thật mỏng sợi, thêm ít giá cọng nhỏ và rau quế nguyên lá. Cái riêng nữa là nước mắm nêm vào, quán nào cũng có chén nước mắm đặc sệt ớt xiêm thái nhỏ với cái muỗng cà phê nhỏ xíu. Có lẽ thấy chén mắm... đã đời mà khách ăn mặn hay nhạt cũng phải nêm thêm, dù ít hay nhiều.

Điểm lôi cuốn của tô bún bò là rổ rau, xà lách, bắp chuối xắt ghém thật mỏng sợi

Bò nướng lụi Nha Trang


Bò nướng lụi tại Lạc Cảnh 44 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nha Trang. Quán có nhiều món ăn như gà xối mỡ, cơm tay cầm, chả tôm nướng mía... nhưng nổi tiếng nhất vẫn là bò nướng. Bí quyết nằm ở khâu tẩm ướp gia vị mà chỉ một vài người trong gia đình nắm công thức và tuyệt đối không truyền ra bên ngoài. Thịt bò ướp bằng mật ong và có trên 10 loại gia vị chế biến riêng. Đặc biệt thịt xắt thành miếng vuông, vừa ăn. Khách tự nướng trên than hồng; Miếng thịt mềm cắn ngập đến tận chân răng. Ở Nha Trang còn nhiều chỗ bán món này với tên trong thực đơn là bò nướng lụi nhưng không có chỗ nào thơm ngon như ở quán này. Đặc biệt trong cẩm nang du lịch nước ngoài luôn có địa chỉ quán bò Lạc Cảnh.

Trong cẩm nang du lịch nước ngoài luôn có địa chỉ quán bò Lạc Cảnh.

Bún Cá bà Năm Beo Chung Cư B2 Phan Bội Châu, Nha Trang


Trong rất nhiều những món đặc sản nổi tiếng ở Nha Trang, Bún cá Năm Beo là một địa chỉ khách du lịch không thể bỏ qua khi đến với thành phố biển Xinh đẹp. Thưởng thức món bún cá ở tại quán bà Năm Beo, ta bắt gặp một hương vị đậm đà, thơm ngon nhưng không tanh mùi cá biển. Tô bún cá của bà có vài miếng cá luộc, một vài con sứa biển, vài miếng chả chiên, nóng hổi, cùng với mùi thơm của hành ngò và cay nồng của ớt,tiêu. Bạn sẽ bất ngờ bởi mùi thơm, ngọt thanh đậm của nước dùng những miếng chả cá dai ngọt và thịt sứa thật giòn cũng với đĩa rau sống thêm phần hấp dẫn.

Hương vị đậm đà, thơm ngon nhưng không tanh mùi cá biển.

Những món bánh ngon Nha Trang

Những món bánh dân dã mà ngon miệng được coi là đặc sản quê nhà Nha Trang sẽ thu hút bạn ngay từ lần đầu thưởng thức.

1. Bánh bèo

Bánh bèo là một loại bánh bình dân rất được ưa thích ở Nha Trang. Nguyên liệu chính để làm bánh là bột gạo. Gạo sau khi xay thành bột mịn, người thợ pha vào một ít nước lọc để bột lỏng nhưng vẫn giữ được độ dẻo nhất định.


Người thợ đổ bột vào những chiếc khuôn bánh nhỏ và đem hấp. Trong quá trình hấp phải canh lửa thật lớn, để bánh chín đều, mềm và dẻo. Ăn bánh bèo không thể thiếu tôm cháy. Màu vàng của tôm tăng thêm sự đẹp mắt, thơm ngon cho món ăn. Tôm mua về được làm sạch, luộc chín, bóc bỏ vỏ, cho phần thịt vào giã thật nhuyễn. Làm nóng chảo trên bếp, cho tôm đã giã nhuyễn vào và rán đều đến khi tôm mịn và khô là được.

Bánh bèo hấp dẫn với màu trắng của bột gạo, màu vàng rộm của tôm cháy sẽ tròn vị hơn với chén nước mắm ngọt cay xé lưỡi, là chất xúc tác làm cho món ăn dân dã này trở nên ngon miệng.

2. Bánh đập thịt nướng

Nói đến bánh đập, không người dân Khánh Hòa nào không biết. Món ăn là sự kết hợp giữa bánh tráng nướng, bánh ướt, ăn kèm với thịt nướng hoặc bạn có thể ăn với thịt luộc hay lòng lợn... Ăn bánh đập không thể thiếu chén mắm nêm với vị cay đặc trưng của người dân miền biển.


Ghép một miếng bánh tráng nướng và bánh ướt lại, thoa lên bề mặt một ít mỡ hành, tôm cháy, sau cùng là thịt nướng hay thịt luộc... gập đôi, chấm vào chén mắm nêm và thưởng thức. Cái giòn rụm của bánh tráng, độ mềm dẻo của bánh ướt hòa quyện vào nhau trong vị đậm đà của mắm nêm, miếng thịt nướng chín vàng, thơm phức đem lại cảm giác ngon miệng rất thích thú.

3. Bánh ướt

Nổi tiếng và được nhiều người biết đến nhất là bánh ướt Diên Khánh, một huyện giáp ranh với thành phố Nha Trang. Bánh ướt có thành phần tương tự như bánh cuốn miền Bắc, chỉ khác là bánh cuốn có nhân, bánh ướt thì không nhân.


Nguyên liệu chính làm bánh ướt là bột gạo pha chung với một ít bột lọc để khi tráng bánh mỏng nhưng không bị rách, bánh vừa mềm và hơi dai. Bột sau khi pha được tráng thành một lớp mỏng trên lớp màng vải mỏng được căng trên một nồi hơi. Quá trình hấp bột sẽ tạo thành một màng mỏng gọi là bánh, thời gian hấp từ 1 đến 2 phút tùy độ dày của bánh.

Người dân Khánh Hòa thường ăn bánh ướt với nước mắm chua ngọt, tuy nhiên, bạn có thể thưởng thức món ăn này với thịt nướng, thịt heo quay, lòng heo, tôm, nem...

4. Bánh căn

Đây là một loại bánh rất nổi tiếng của các tỉnh ven biển miền Trung, có hình dáng gần giống với chiếc bánh khọt của người miền Nam. Nguyên liệu chính để làm bánh căn là gạo. Gạo được ngâm mềm, xay thành bột và đổ chín trên những chiếc khuôn bánh bằng đất nung.


Nhân của bánh căn rất phong phú và đa dạng, có nhiều loại như: thịt, trứng, nấm, mực, tôm... mỗi loại nhân mang đến cho người ăn cảm giác ngon miệng khác nhau. Bên cạnh sự phong phú về các loại nhân, nước chấm cũng là một điểm hấp dẫn của món ăn này. Nước chấm có màu đỏ tươi, được pha hơi sánh và có vị chua ngọt hơi cay rất ngon miệng.

Bánh căn được ăn chung với các loại rau sống như xà lách, rau cải, húng quế, diếp cá và xoài xanh thái thành sợi nhỏ. Khi ăn bánh căn, người Nha Trang thường cho bánh vào trong chén, cho vào các loại rau, chan nước chấm vào, trộn đều và thưởng thức.

(Theo Vnexpress)

Cách làm lẩu cá lăng măng chua

Lẩu cá lăng nấu với măng chua là món ngon dễ nấu với hương vị chua chua ngọt ngọt dễ làm mê hoặc lòng người. Bạn có thể thực hiện theo các bước sau:
Nguyên liệu:
  • 1 kg cá lăng
  • 300g măng chua
  • 1 lít nước lèo, 20g hành tím
  • 1 củ nghệ tươi, 1 trái cà chua, 1 trái ớt sừng, 4 trái chanh
  • Gia vị: Bột ngọt, bột nêm, nước mắm, ngò gai, rau om
Các bước thực hiện:
  1. Cá làm sạch, cắt khúc. Hành tím, cà chua bằm nhuyễn, nghệ đập dập. Chanh vắt lấy nước cốt. Bắc chảo dầu nóng, phi thơm hành tím, cho cà chua + nghệ + măng chua + cá vào xào, nêm bột ngọt, bột nêm, nước mắm vừa ăn.
  2. Sau cùng cho nước lèo vào nấu sôi khoảng 3 – 5 phút, cho cá chín, vớt bọt, tắt lửa, châm nước cốt chanh, rau om, ngò gai, ớt. Lẩu cá lăng dùng với bún và nước mắm mặn.
(Theo PNO)

Lẩu cá siêu rẻ gần sân vận động Phú Thọ

Lẩu cá không lạ, cách bán lẩu riêng, rau riêng cũng không còn mới, nhưng nếu xét trong thời điểm hiện nay, một nồi lẩu "no đủ" cho 3 người có giá khoảng 100.000 đồng, lại ngon và chất như quán Cô Thư có lẽ thuộc hàng hiếm.


Tọa lạc trong con hẻm số 525 Lý Thường Kiệt, lẩu cá Cô Thư là điểm hẹn “lai rai” buổi chiều lý thú cho sinh viên và dân văn phòng gần đó. “Lai rai” trong trường hợp này không hẳn là “nhậu” bởi khách đến quán hầu như là các nhóm bạn và gia đình. Chỉ đơn giản là những giây phút thư giãn bên nồi lẩu nghi ngút khói cùng bạn bè, đồng nghiệp trong thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, sau một ngày làm việc hay trước khi về quê ăn Tết với gia đình.

Điểm cộng đầu tiên về quán là không gian mở với những dãy bàn ghế thấp kê bên ngoài khu chung cư rộng rãi và mát mẻ. Ấn tượng tiếp theo của lẩu cá Cô Thư là menu hấp dẫn của kha khá các loại lẩu với giá 70.000 đồng. Đi cùng lẩu là 6 loại rau khác nhau gồm rau muống, rau nhút, đậu bắp, bạc hà, rau đắng, bắp chuối bào… Mỗi loại rau được đựng trong đĩa khác nhau và được sơ chế cẩn thận, nên khi xếp quanh nồi lẩu, càng hấp dẫn và bắt mắt. Song điểm trừ là quán hơi “gian” khi chỉ tặng kèm đĩa bún trắng phau, còn rau thì nhúng đĩa nào bạn phải trả 5.000 đồng đĩa đó. Điều này khiến không ít thực khách có cảm giác "bị lừa", song nếu tính kỹ, tổng chi cho 6 đĩa rau và một nồi lẩu cho 3 người có giá khoảng 100.000 đồng, vẫn hời so với các quán khác.



Nồi lẩu đầy đặn với những miếng cá ẩn hiện.



Cận cảnh miếng cá săn chắc hơn thịt.



Đầy đặn và no đủ cho 3 người.

Song cái ấm ức, khó chịu ấy dường như “trôi tuột” xuống dạ dày với vị ngọt, tươi, ngon, đậm đà sau những ngụm nước lẩu đầu tiên. Đó cũng là lúc những cái gật gù: "Nước lẩu được đó chứ" lên ngôi cùng hành động vớt rau, tranh cá liên tục kèm tiếng cười râm ran.

Quán có nhiều loại lẩu cá khác nhau, song nếu cảm thấy hơi quen thuộc với cá điêu hồng, cá lóc, hay sợ "hụt chi" với lẩu cá bớp, cá hồi (giá 100.000 đồng/lẩu) thì lẩu cá gộc, “một loại cá biển” (như lời chủ quán) là món bạn nên thử. Xét về tên gọi, đây là loại cá mà có "đốt đuốc" tìm hết các chợ lớn nhỏ, siêu thị của Sài Gòn, bạn cũng không thể tìm ra.

Bạn cũng chẳng thể hình dung hình dáng của loại cá này vì sự hiện diện của nó trong nồi lẩu chỉ là những lát hình chữ nhật vuông vức. Tuy nhiên, ngay những miếng cắn đầu tiên, sau cái đậm đà của loại nước mắm chỉ kết đôi với ớt xắt khoanh, bạn sẽ cảm nhận được vị tươi, dai, chắc, ngọt của món cá này, không những vượt trội cá điêu hồng, cá chép mà còn có thể sánh ngang với cá bớp, cá hồi, nhất là ở cái béo mềm của phần da và phần thịt cá ngọt, chắc như thịt heo.

Ngoài kết đôi bún với nước lẩu, một cách thưởng thức ngon không kém dành cho món ăn này là những cọng mì tôm dai mềm hay sần sật cũng thú vị không kém.

Địa chỉ: Lẩu cá Cô Thư, 014 chung cư Trần Văn Kiểu, P.14, Q.10. (Một hướng đi khác là rẽ vào hẻm 252 Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình, đoạn gần sân vận động Phú Thọ, đi vào khoảng 50m, quán nằm bên tay phải). Quán kinh doanh từ 16 - 22h hàng ngày.