Món ăn ngon

Cách làm các món ăn ngon cho bạn và gia đình một bữa ăn ngon và ấm áp.

Địa điểm ăn uống

Cùng gia đình và bạn bè có những bữa ăn ngon và ấm cúng tại những địa điểm ăn uống yêu thích

Mẹo vặt nấu ăn

Cập nhật ngay những mẹo vặt giúp bạn nấu ăn ngon và nhanh.

Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

Lẩu Ốc đường Trường Chinh - Hà Nội


Ở Hà Nội rất ít nơi bán lẩu ốc. Có một cửa hàng đã mở hơn 40 năm, nằm trong hẻm nhỏ ngõ Khương Thượng trên đường Trường Chinh, được biết đến là địa chỉ đầu tiên bán món này.


Ngoài thứ nước dùng chua chua, cay cay hấp dẫn thì lẩu ốc khá phong phú chứ không đơn điệu chút nào. Vừa có ốc nhồi to, vừa có thêm chả, mọc, sủi cảo, tất cả đều chế biến từ ốc. Bên cạnh đó tương tự như món ốc chuối đậu, lẩu ốc có thêm đậu rán, chuối xanh, thịt ba chỉ. Mỗi thứ một vị, góp phần cho nồi lẩu ốc thêm thơm ngon và đặc biệt.

Một nồi lẩu ốc cho khoảng 4 người ăn có giá 300.000 đồng.

* Địa chỉ tham khảo: Bún ốc bà Lương gia truyền - Số 34 ngõ 191 tổ 9 Khương Thượng, Đống Đa, Hà Nội.

Lẩu cháo chim ở Hòe Nhai - Hà Nội


Là một quán nhậu nhưng Nam Dương Tửu Quán ở phố Hòe Nhai lại được nhiều người biết đến nhờ món lẩu cháo chim thơm ngon nổi tiếng.


Khác với các món lẩu thông thường, lẩu cháo chim với nước dùng chính là cháo loãng được đun cùng chim bồ câu, kiểu thưởng thức lẩu này khá lạ miệng. Cái cảm giác đang đói mà được xì xụp một bát nước cháo bùi bùi nóng hổi, ngọt đậm đà vị thịt chim, thơm thơm hương các loại nấm, man mát vị rau cải cúc, chắc chắn sẽ làm bạn không thể quên được hương vị của lẩu cháo chim trong mùa đông này.

Lẩu cháo chím có giá 350.000 đồng/nồi, có thể dành cho 4 người ăn.

* Địa chỉ tham khảo: Nam Dương Tửu Quán - Số 21 Hoè Nhai, Nguyễn Trung Trực, Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam

Phá lấu bò Cô Năm ở quận Gò Vấp

Vừa nhâm nhi từng miếng lòng non, miếng lá sách bò hay bẻ miếng bánh mì chấm với nước dùng đậm đà vừa trò chuyện với bạn bè tại quán phá lấu bò Cô Năm thì không có gì thú vị hơn.

Từ lâu phá lấu bò đã là một món ăn vặt, dân dã mà ngon miệng của người dân Sài Gòn. Từ trẻ nhỏ cho đến người già, ai cũng có thể nghiền món này đến lạ. Và có một địa chỉ bán món ăn ngon và bình dân này ở quận Gò Vấp mà bạn không thể bỏ qua đó chính là quán phá lấu bò Cô Năm. Quán nằm trên đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp, không lớn lắm nhưng cũng đủ rộng và thoáng để đón một lượng khách khá đông mỗi buổi chiều. Bên trong quán bố trí những dãy bàn ghế thấp gọn gàng, lịch sự, sạch sẽ, một phần cũng giúp tạo cho thực khách cảm giác ngon miệng.


Quán phá lấu bò Cô Năm bán đã nhiều năm nay nên tuy không lớn lắm nhưng những thực khách xung quanh đường Lê Đức Thọ, Gò Vấp ai cũng biết đến. Phá lấu ở đây không khác với những quán khác về màu nâu cánh gián đặc trưng của món ăn, nhưng nước dùng được chế biến theo công thức riêng của cô Nam nên rất đặc biệt. Nó có vị ngọt của nước hầm nội tạng, của nước dừa tươi, vị béo của nước cốt dừa, vị cay, thơm của quế, ngũ vị hương. Bên cạnh đó, người tinh ý sẽ nhận thấy nước dùng của quán có một vị chua khá thanh và khá lạ. Vị chua khiến món ăn toàn đạm có vẻ nhẹ nhàng hơn. Một điểm cộng khác là màu nâu cánh gián đặc trưng của món phá lấu là màu của nước dừa được hầm kỹ, chứ không phải phẩm màu. Nước của phá lấu không sền sệt mà lỏng, giống nước bò kho.


Chén phá lấu với nước cốt dừa màu nâu cánh gián nóng hổi, được bưng ra bàn. Mùi nước dừa, mùi thịt thơm lạ lùng, ăn phá lấu chỉ cần một cây xiên tre cỏn con là đủ. Món phá lấu chỉ có dùng cây xiên từng miếng lên ăn mới ngon chứ điệu đàng dùng đũa, nĩa hay muỗng đều hoá ra lạt lẽo, ăn vào dường như mất cả vị.


Một tô phá lấu có phần "cái" được chủ quán khéo léo cắt gọt sao cho đầy đủ "bộ lòng" như gan, khăn lông, lá xách, phèo non, tổ ong, trái khế, lá mía, thịt dày… Dùng nĩa xiên miếng tổ ong đang ngập trong nước phá lấu bốc khói, chấm vào chén nước me chua chua, cay cay hay miếng lòng nhai giòn giòn, sừn sựt thì không còn gì thú vị bằng. Muốn no bụng, bạn có thể kêu thêm bánh mì chấm chung chén phá lấu.


Ngoài món phá lấu bò ra, quán còn phục vụ cả trà sữa, café và các loại nước ép, sinh tố, nước mía… cho bạn thỏa sức lựa chọn. Bên cạnh đó, với cung cách phục vụ nhanh chóng và thân thiện của đội ngũ nhân viên tại quán, chắc chắn thực khách sẽ còn muốn ghé đến thưởng thức món phá lấu bò lần nữa.

* Địa chỉ dành cho bạn:

Quán phá lấu bò Cô Năm
Số 624 Lê Đức Thọ, P.15, Q. Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh.
Điện thoại: 0944 118 859



Theo Diemanuong365

Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

Khám phá ẩm thực hàng rong ở Hội An

Nếu bạn đã từng ăn hàng rong ở Hội An thì sẽ thấy có những món tưởng như quen quen mà lại lạ lạ như bánh bèo, bún thịt nướng, bánh mì...

Không ngoa khi gọi Hội An là xứ ăn hàng. Thành phố chỉ nhỏ như một bàn cờ, đi một vòng lại về chốn cũ, thế mà để thưởng thức hết những món ăn lề đường ở đây, du khách phải lưu lại một tuần đến mười ngày. Có món tên gọi nghe lạ và chỉ riêng có ở Hội An như cao lầu, còn hầu hết đều quen như bánh mì, bánh bèo, bún thịt nướng, bún bò, phở, cơm gà, bánh đập, chè bắp, chè đậu ván… nhưng phải thử ăn, ta mới à lên rằng tưởng quen mà lại lạ.

Mấy trăm năm hàng rong

Phố thị ra đời cùng cuộc mở cõi của các chúa Nguyễn Đàng Trong. Thương cảng Hội An sầm uất một thời từng là nơi giao lưu của nhiều nền văn hoá cả Đông lẫn Tây. Trải thêm nhiều thăng trầm của lịch sử, phố tuy phồn hoa chẳng sánh nổi chốn kinh kỳ, thanh lịch chẳng bì kịp đất Thăng Long nhưng từ thẳm sâu lòng phố đã thành hình dấu ấn riêng, mà rất nhiều ngấn tích còn giữ lưu nơi những món ăn và cả cách ăn của người phố Hội. Dấu ấn riêng đó là sự thẩm thấu nhuần nhị của văn hoá Việt và Hoa, đâu đó còn thấp thoáng cả bóng hình Phù Tang và Pháp. Dấu ấn riêng đó là sự gặp gỡ nơi khúc ruột miền Trung văn hoá của những người mở cõi và cả những cuộc thiên di cùng với biến thiên thời cuộc.

Người Hội An thích ăn hàng. Đặc tính đó luân lưu nhiều thế hệ và đã trở thành văn hoá. Văn hoá ăn hàng này có lẽ cắm rễ sâu xa với nền kinh tế tiểu thương hình thành từ thời cảng thị. Tiểu thương có nhu cầu ăn nửa buổi, ăn chơi nên cũng lắm món ăn chơi ra đời và truyền lưu ở xứ này. Mấy trăm năm đã qua, nhịp sống Hội An ngày nay vẫn hãy còn nhàn nhã để giữ lưu những tiếng rao nhẩn nha qua từng con đường nhỏ, và người Hội An vẫn chưa bị “thế giới phẳng” cuốn trôi nên họ vẫn chờ những gánh hàng ngày ngày diễu qua phố để thấy đời thật giản đơn.

Những gánh hàng rong ở Hội An có từ sáng, trưa đến chiều tối. Và mỗi giấc có những loại hàng ăn khác nhau.

Người Hội An thường điểm tâm bằng tô phở Liến nằm ngay trung tâm phố cổ. Phở Liến có lịch sử hơn nửa thế kỷ, là quán phở lâu đời nhất. Phở Hội An không giống phở Bắc, chẳng giống phở Sài Gòn. Bánh phở không mềm mà dai dai, sừn sựt, hình như người Hội An không thích cái gì mềm mại quá (cả cao lầu cũng chẳng mềm)! Người làm bánh phở tráng bánh rồi đem phơi, nhưng không được khô quá để khi dùng chỉ cần trụng qua nước sôi. Nước phở ngoài vị ngọt của xương như những nơi khác còn cộng thêm vị bùi bùi, thơm thơm của đậu phộng sa tế giã nhuyễn. Ngoài rau quế ăn kèm, phở Hội An còn có cả dưa chua làm từ đu đủ xắt lát mỏng ngâm giấm. Ăn một tô phở Hội An, ta gặp một món ăn ngỡ như quen mà lại lạ. Tôi đã từng băn khoăn liệu món ăn này có phải là sự gặp gỡ giữa ẩm thực Việt và Hoa? Sự lưu trú lâu đời của cư dân người Hoa khiến cho món ăn vốn thuần chất Việt phải uyển chuyển đổi thay để dung chứa cả thói ăn của những người dân mới?

Món ăn chơi theo giờ giấc

Tầm 9, 10 giờ ở Hội An, các cô bán chè lại quảy gánh rồi tìm tới một vỉa hè có bóng cây, vừa ngả nón lá quạt mát, vừa rao lanh lảnh “Chè đậu ván nước đá”. Phố có nhiều chè, nhưng có lẽ đặc trưng nhất là chè đậu ván, món vừa ăn chơi vừa giải khát trong những bữa xế trưa đổ lửa miền Trung. Nước chè trong veo, thêm vài miếng lường phảnh đen bóng, cùng với vài giọt quất chua đủ sức xua tan cơn mệt mỏi giữa trưa hè. Ăn chè đậu ván mà không có quất là mất đi phân nửa vị ngon, cái kiểu ăn này, hình như tôi chưa từng gặp ở nơi khác.


Xế chiều, khoảng 3, 4 giờ, những gánh hàng từ ngoại ô lũ lượt đổ về phố xoá đi sự uể oải của buổi chiều. Món buổi chiều thường là món ăn chơi, ăn cho vui chứ không cốt no để còn ăn cơm chiều nữa. Bánh bột lọc, bánh ướt thịt nướng, bột báng, bánh bèo… những thức quà rẻ tiền của dân nghèo vùng ngoại ô thân thuộc với dân phố đã nhiều đời. Bánh bèo Hội An, cũng như nhiều vùng quê đồng ruộng Quảng Nam khác, thường to và dày chứ không nhỏ xinh, mỏng mảnh cách cung đình kiểu bánh bèo Huế. Nước xốt chan lên bánh được làm từ bột gạo xào chung với tôm và thịt ba chỉ băm nhỏ, thêm một chút bột điều tạo thành một thứ sền sệt màu cam, thơm ngon. Bánh bèo phải ăn kèm với ram vừa giòn vừa béo được chiên từ những cọng mì cao lầu khô. Khi ăn, chan thêm một chút nước mắm ớt tỏi nữa thì hoàn hảo.


Buổi khuya Hội An, không gì thích bằng ngồi ghế đá cạnh sông Hoài nhâm nhi ổ bánh mì Phượng nóng giòn, thơm phức trong không khí dìu dịu của nước, của trời. Bánh mì Hội An không nguội và nhiều thịt như bánh mì Sài Gòn. Bánh mì Hội An bao giờ cũng giòn và nóng, patê, thịt xíu, rau dưa, chả lụa, nước xốt, tương ớt… tất cả đều tiết chế một cách vừa đủ để khi tổng hoà thành ổ bánh mì thì vừa miệng đến miếng cuối cùng, rồi còn thòm thèm muốn ăn thêm ổ nữa. Tôi đã nhiều lần nghĩ về ổ bánh mì Phượng Hội An như một sản phẩm của sự làm nên dư vị. Và quả thực, dư vị đó đã theo tôi rất lâu sau nhiều năm xa phố.


Tôi chỉ mới dạo một vòng phố, cùng vài món ăn hàng trong một ngày. Người Hội An còn nhiều món ăn theo mùa, theo lễ nữa. Mỗi món ăn đều có “cái cớ” để ăn vào thời gian đó, địa điểm đó bởi ăn hàng ở Hội An không chỉ là ăn, mà còn là văn hoá. Ăn hàng không chỉ để thưởng thức hương vị mà còn để khám phá những trầm tích của Phố qua từng món ăn.


Theo Sài Gòn tiếp thị

Khám phá những món ngon từ cá kèo

Cá kèo tuy nhỏ con nhưng ít xương, thịt mềm và rất ngọt, có thể chế biến được nhiều món ăn ngon miệng. Ngoài món lẩu cá kèo quen thuộc, bạn có thể chế biến cá kèo thành nhiều món ăn ngon như cá kèo chiên xù, nướng và kho tiêu...

Cá kèo có nhiều ở mảnh đất Nam bộ như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ... Hiện nay, cá kèo được bày bán nhiều ở chợ, khi mua cá kèo nên chọn loại cá tươi sống. Cá được làm sạch bằng cách dùng lá sả chà sát cá trong chiếc rổ tre trong khoảng vài phút, rồi mang rửa lại cho sạch bằng nước muối cho tróc hết vảy nhớt. Điều đặc biệt khi chế biến các món ăn từ cá kèo là mật và ruột cá phải giữ nguyên vì đây chính là phần hấp dẫn nhất của cá kèo, rất béo và mát. Sau đó bạn có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau.

Hãy cùng Diemanuong365 khám phá những món ăn ngon được chế biến từ cá kèo nhé!

1. Cá kèo kho tiêu

Trong bữa ăn gia đình ở Nam bộ, những bà nội trợ thường làm món cá kèo kho tiêu để dùng với cơm nóng. Thịt cá mang ướp trong 20 phút với nước màu dừa, đường, nước mắm ngon, đầu hành lá, tiêu trong cái nồi đất, sau đó nhắc lên bếp kho trong lửa riu riu. Sau khi nước kho sánh lại, cá chín cong vàng ươm nứt thịt tỏa ra mùi hương thơm phưng phức rồi nêm ít tiêu, ớt và nhắc xuống bếp.

Món cá kèo kho tiêu mang đậm chất Nam bộ.

Cá kèo kho tiêu được xem là món đặc trưng ở Nam bộ, thịt cá săn chắc, béo ngậy quyện với vị tiêu, ớt cay cay khi kết hợp cùng cơm nóng, rau thơm, dưa leo khi ăn sẽ càng thích hơn. Thịt cá săn chắc, béo ngậy hòa với vị tiêu, ớt cay cay, kết hợp với rau thơm, dưa leo càng ăn sẽ càng thích. Món này dùng với cơm nóng hay nguội đều ngon tuyệt.

2. Cá kèo kho rau răm

Với người miền Nam, cá kèo là nguyên liệu có thể chế biến được các món từ đặc sản đến bình dân. Thân thuộc nhất là món cá kèo kho rau răm trong bữa cơm hàng ngày.


Món cá kèo kho rau răm sẽ mang đến hương vị mới cho bữa ăn gia đình. Cá sẽ ngon hơn khi được kho bằng tộ.

Trong những ngày mưa lạnh, chỉ cần nồi cá kèo kho rau răm ăn với cơm trắng nóng hổi là ăn mãi không chán. Cá rửa sạch, để ráo, sau đó ướp với hành tím băm nhỏ, đường, nước mắm, muối, bột ngọt, tiêu, nước màu và ít rau răm cắt nhuyễn. Để khoảng 30 phút cho cá thấm, cho ít dầu ăn vào trộn đều. Dùng nồi đất, xếp lớp rau răm còn nguyên vào đáy nồi để khi kho cá không bị cháy, xếp cá lên trên. Bắc nồi lên bếp để lửa lớn, khi cá sôi thì vặn lửa nhỏ, kho riu riu đến khi cá sệt lại là được. Rưới thêm một ít dầu ăn phi tỏi vàng lên cá rồi tắt bếp. Khi dọn nên để nguyên cá trong nồi đất.

3. Cá kèo nướng muối ớt

Cá kèo nướng muối ớt thơm lừng khó quên.

Ngoài món kho tiêu, kho rau răm thì cá kèo còn được ướp với muối ớt rồi nướng trên bếp than đỏ lửa cũng sẽ là một món ăn rất thú vị. Cá để cả ruột, nên sau khi nướng, cá ăn béo béo... Món này nếu đã thưởng thức qua một lần, chắc chắn bạn sẽ không thể quên được mùi thơm phưng phức đặc trưng riêng của từ loại cá kèo.

4. Cá kèo nướng ống sậy

Ngoài ra, nếu bạn thích món cá kèo nướng vừa cầu kỳ, vừa dân dã chính là cá kèo nướng ống sậy. Sậy để nướng cá kèo nên chọn sậy non, mập và nhiều nước, cắt từng đoạn, có đầu rỗng để đưa cá vào. Cá bống kèo còn sống rửa sạch rồi ướp gia vị với rượu mùi. Khi nhét cá vào sậy, chừa phần đuôi thòi ra. Cho lửa than hồng riu riu. Cách nướng trực tiếp này làm cho cá kèo mềm hơn, ngọt hơn, nhất là nước ống sậy tươm ra thấm vị ngọt và mùi thơm đặc trưng của sậy. Khi ống sậy vừa vàng, xẹp xuống nhanh là cá cũng vừa chín nhờ sức nóng của nước ống sậy tiết ra.

Rau thơm, chuối chát là món ăn kèm cùng cá. Cá nướng ống sậy không kén thức chấm. Chỉ cần muốt ớt chanh là đủ. Xé ống sậy ra, hơi nóng từ con cá bốc lên, cho miếng cá vào miệng, vị ngọt của cá hòa cùng vị ngọt của sậy. Vị cay, mặn, chua của muối ớt chanh cho ta hương vị rất lạ, ngon không chê vào đâu được. Vị ngon của cá bống kèo tập trung ở gan, mật, vừa béo vừa nhân nhẫn nhưng hậu rất ngọt.

5. Cá kèo chiên xù (hay chiên giòn)

Cá kèo chiên xù chấm cùng nước mắm me sẽ là một món ăn hấp dẫn.

Cá kèo mang chiên xù cũng là một món ăn ngon và không kém phần hấp dẫn. Cá kèo sau khi làm sạch, lăn qua bột chiên xù rồi cho vào chảo nhiều dầu, lửa cao. Khi cá chín vàng vớt ra để ráo dầu, rồi cho ra đĩa có lót rau răm hoặc rau đắng bên dưới. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được độ giòn thơm từ món ăn. Hai món cá kèo chiên xù và nướng đều được chấm với nước mắm me, kèo thêm chút ớt tươi lát mỏng. Đây là một loại nước mắm đặc trưng vùng Nam bộ có vị chua chua, ngọt ngọt, mặn mặn rất lạ miệng.

6. Cá kèo cuốn bánh tráng

Trong những dịp cuối tuần, hay những khi có khách, bạn có thể tự làm để thết đãi người thân hay khao bạn bè một món ăn vừa thú vị lại vừa lạ miệng: cá kèo cuốn bánh tráng chiên giòn.


Cá kèo mua về, cho ướp đá, sau đó đem rửa sạch, không mổ bụng mà để nguyên con. Rồi đem cuốn với bánh tráng. Một miếng bánh tráng tròn có thể cắt ra làm tư. Mỗi góc cuốn vào một con cá, rồi bắc chảo mỡ lên chiên. Đợi khi mỡ sôi, thả những con cá kèo có cuốn bánh tráng này vào chảo. Chiên cho đến khi thấy cá vàng là được. Gắp cá ra để vào dĩa, rồi làm chén nước mắm me, giằm ớt cho cay nữa là xong. Rau để ăn với món này có thể là: càng cua, xà lách, cà chua, ớt Đà Lạt, củ hành tây xắt mỏng.

Món ăn dọn ra giữa bàn, thơm phức, dĩa cá vàng ượm, trông bắt thèm. Thịt cá giòn khấu, béo ngậy, thơm lừng cộng với vị thơm của các loại rau, vị cay của ớt, vị chua của me... ngon tuyệt.

7. Gỏi cá kèo


Nếu chịu khó một chút, bạn sẽ có thêm món gỏi cá kèo chua chua ngọt ngọt vô cùng hấp dẫn. Cá kèo cắt khúc chiên giòn, để ráo dầu. Bằm trái xoài xanh, ớt cắt sợi, hành tím cắt khoanh mỏng, trộn đều tất cả với nước mắm chua ngọt cho thấm, trộn rau răm sau cùng, xếp ra đĩa, cho cá kèo chiên lên, dùng ngay.

8. Lẩu cá kèo

Trong cái lạnh của Sài Gòn những ngày cuối năm, còn gì thích thú hơn khi được thưởng thức nồi lẩu cá kèo lá giang bốc khói cùng bạn bè. Nước dùng nấu bằng xương lợn, hầm cho đến khi xương mềm, vớt bọt cho nước trong. Lá giang lựa lá non, nhặt và rửa sạch rồi vò nát để lá ra vị chua.

Lẩu cá kèo là món ăn lành tính, bạn có thể thưởng thức món ăn này trong thời tiết lạnh hay nắng nóng đều ngon miệng. Ảnh: N.S.

Bắc nồi lên bếp, cho ít dầu ăn rồi cho hành tỏi băm nhuyễn vào phi thơm, sau đó đổ nước dùng vào, nấu sôi, nêm nếm gia vị rồi cho lá giang vào, gia giảm lá để độ chua vừa khẩu vị. Cá kèo sau khi làm sạch được cho vào nồi nước lẩu đang xôi, cho lá giang vào, nêm lại gia vị cho vừa ăn, nước lẩu có vị chua thanh nhưng hơi ngọt là được. Lẩu cá kèo lá giang được ăn kèm với bún tươi và các loại rau như: rau muống, rau nhút, rau đắng, giá, hoa chuối...

9. Cháo cá kèo

Cháo cá kèo là món ăn bình dân ở Cà Mau

Món cháo cá kèo tuy đơn giản nhưng dễ ăn khi trái gió trở trời. Nấu nồi cháo trắng vừa nhừ, cho cá kèo vào rồi nêm nếm gia vị muối, đường, bột ngọt, hạt nêm và nước mắm cho vừa ăn. Múc ra tô rắc ít hành ngò và tiêu vào, thêm vài cọng gừng xắt sợi, chanh, ớt là đã có một tô cháo nóng hổi "vừa thổi vừa ăn". Ăn cháo cá kèo, bao nhiêu mệt mỏi chợt tan biến, trong người cảm thấy thật khỏe khoắn và đầy đủ năng lượng cho ngày làm việc mới.

Theo Diemanuong365

Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

Bít tết ngon rẻ giữa phố Hà Nội

Bít tết thì ai chẳng thích đúng không? Nhưng mà giờ, một suất bình thường cũng phải vào cỡ khoảng 60k – 80k rồi, đắt hơn xịn hơn thì cỡ khoảng 100k và có một số loại lên đến 500k cơ đấy! Nhưng các bạn đừng vội hoang mang nhá! Vẫn có một hàng bít tết giá cả phải chăng đó, chỉ có 28k một suất thôi!

Mỗi tội là hàng này chỉ bán vào tầm chiều tối và chỗ ngồi thì cũng chỉ tạm được thôi, phần lớn là phải ngồi ngay ngoài vỉa hè của phố Hòe Nhai.


Nhưng tạm bỏ qua phần giờ giấc, địa điểm, mình “zoom” kĩ một chút vào phần đồ ăn nhé! Một suất bít tết ở đây vào tầm vừa phải, đối với sức ăn bình thường thì cũng đủ no các bạn ạ.

Thường thì một suất đầy đủ sẽ gồm có: thịt bò, trứng ốp la, pate và khoai tây chiên. Đặc biệt là nước sốt để ăn kèm với bít tết ở đây khá ngon. Ngoài yếu tố giá rẻ ra thì hầu như mọi người đến đây ăn cũng vì “anh bạn” nước sốt này đấy!


Ngoài ra thì thịt bò ở đây cũng rất mềm, chẳng hiểu họ tẩm ướp kiểu gì mà mềm lắm í.

Để bọn tớ mách các bạn một số “tips” khi đến đây ăn nhé!

- Do thời gian chờ đồ ăn khá lâu, nên khi vừa ổn định xe cộ là các bạn phải gọi ngay nhá, không là chờ lâu lắm đấy!

- Trong lúc chờ đợi thì các bạn nên dở trước mấy tờ giấy ăn ra để khi họ mang chảo ra thì đậy lên, cái món này lúc đầu bị bắn mỡ nhiều lắm.

- Nên xin thêm nước sốt ngay từ đầu (được free mà) để đỡ phải chờ lâu thêm một lần nữa.


Địa chỉ của hàng bít tết này là ở số 6 Hòe Nhai. Bắt đầu bán hàng vào khoảng 5h chiều.

Nhà hàng pizza giá mềm ở Hà Nội

Tại đây, một chiếc pizza cỡ lớn chỉ 130.000 đồng mà chất lượng cũng khá ổn với đế bánh mỏng giòn tan, hấp dẫn, có nhiều phomai thơm ngậy.


Ở Hà Nội, các thương hiệu pizza giờ khá nhiều như Alfresco, PizzaHut, Pepperoni's, Hot rock… Tuy nhiên, đó đều là các nhà hàng có tiếng nên giá cả cũng không hề rẻ. Còn nếu muốn ăn pizza bình dân hơn, bạn phải tìm đến những thương hiệu “xì tin”, điển hình như Spaghetti box. Pizza ở đây chất lượng tạm ổn mà giá rẻ vô đối – khoảng gần 40.000 đồng/chiếc. Chỉ có điều, view các quán này không mấy thẩm mỹ, chỗ ngồi thường chật chội, bí bách, chỉ hợp với giới teen hoặc những ai chấp nhận phong cách ăn uống "phủi phủi", có phần xô bồ.


Nên có lẽ nhiều tín đồ của pizza vẫn muốn tìm đến một địa chỉ trung tầm hơn cả về giá thành và không gian. Vậy nếu là giới văn phòng hoặc dân cư sống quanh khu Hồ Tây, hãy thử ghé một tiệm pizza mới tinh, rất phù hợp với những tiêu chí trên của bạn.


Đó là nhà hàng Lamia Pizza, nằm trong một con ngõ trên phố Lạc Long Quân. Ưu điểm của nhà hàng này là view rất đẹp, nhìn ra mặt Hồ Tây yên ả, không gian nhà hàng cũng khá lịch sự, bắt mắt với tông màu cam vừa nổi bật vừa ấm áp. Ánh sáng, nội thất, cách bài trí… nhìn chung không thua kém gì những nhà hàng như Peperoni hay Hotrock. Và điểm hấp dẫn nhất chính là giá Pizza chỉ bằng nửa tiền các nhà hàng trên, khoảng 130.000 đồng/chiếc cỡ lớn.


Có lẽ sẽ nhiều người hoài nghi “của rẻ là của ôi?”. Tất nhiên với mức giá này, bạn không thể kì vọng 1 chiếc pizza đầy đặn với "ú ụ" thịt gà, thịt bò, hải sản… Nhưng Pizza tại đây sẽ rất hợp gu với những ai ưa thích loại bánh đế mỏng giòn tan. Cô chủ nhà hàng cho biết: “Pizza của tiệm chú trọng nhất và phần đế bánh. Đế bánh ở Lamia luôn là loại đế tươi, làm và ăn trong ngày chứ không phải loại đế bánh ở nhiều nơi, làm sẵn để tủ lạnh cả tháng”. Quả nhiên, nếu tinh mồm bạn sẽ thấy đế bánh pizza nơi này khá đặc biệt, rất giòn và dù để lâu cũng không bị cứng đơ, phần bên trong lại vẫn có độ xốp mềm nhất định.


Nhưng yếu tố quan trọng không thể thiếu để góp phần làm nên một chiếc pizza ngon đó chính là phomai. Vậy thì khi nhấc miếng pizza ở đây lên, bạn cũng sẽ có cảm giác thích thú và hài lòng vì thấy những sợi phomai dai dai, cứ kéo lên, kéo lên mãi mà không chịu đứt. Nhờ vậy, bạn có thể thưởng thức miếng pizza thơm ngậy như mong đợi.

Có lẽ chỉ cần 2 yếu tố: đế mỏng, giòn tan và khá nhiều phomai thì nhiều người cũng sẵn sàng vote cho pizza không tên tuổi này, nhất là khi mức giá của nó rất mềm mà vẫn được thưởng thức món ăn trong một không gian lịch sự, ấm cúng. Ngoài ra, thực đơn pizza tại đây cũng phong phú với hơn chục loại khác nhau. Bên cạnh đó là các món ăn “tây tây” nữa như mỳ Ý, burger, sandwich, soup… với giá từ 35.000 đồng.

Địa chỉ: Lamia số 59 đường Ven Hồ Tây, Hà Nội.


Theo Infonet

Cách làm trứng cuộn kiểu Hàn Quốc

Trứng cuộn kiểu Hàn Quốc là món ăn ngon và phổ biến ở xứ Kim Chi. Tuy mới du nhập vào Việt Nam, nhưng đã được nhiều bạn trẻ yêu thích bởi vị ngon và lạ.


Chỉ 5 phút thôi bạn đã có món trứng rán thơm phức, cách làm mới này tạo cho cả nhà cảm giác mới khi ăn, lạ và ngon miệng hơn.

Nguyên liệu:


- 3 quả trứng
- 1/2 củ hành tây
- 1/2 củ cà rốt
- 1 lá rong biển
- 1 thìa muối tiêu

Cách làm:

Đập trứng ra bát, cho 1 thìa muối, đánh đều. Hành tây, cà rốt thái hạt lựu cho vào bát trứng, đánh cho các nguyên liệu quyện vào nhau.


Đặt chảo lên bếp, đun nóng dầu ăn rồi đổ trứng vào rán. Để lửa mức trung bình để các loại rau củ chín cùng với trứng.


Khi thấy mặt trứng se lại thì đặt một lá rong biển lên, chờ 1 phút.


Rồi dùng bàn xảm hoặc thìa lật nhẹ nhàng mép miếng trứng lên, giữ một lúc.
Sau đó lật tiếp tục, cuộn miếng trứng lại, úp mép trứng xuống mặt chảo rán thêm 1 phút rồi tắt bếp.


Cho trứng ra đĩa, dùng dao cắt chéo thành nhiều miếng mỏng.


Ăn trứng cuộn với cơm, kẹp bánh mỳ ăn sáng hoặc cho vào hộp cơm mang đi làm rất tiện.

Bánh su kem Beard Papa's

Bánh su kem Beard Papa's sẽ mang đến cho khách hàng tận hưởng hương vị tươi mát, thơm ngon của những chiếc bánh.


Bánh su kem Beard Papa's gồm 2 lớp: lớp vỏ và lớp nhân kem. Vỏ bánh được nhập khẩu từ Nhật Bản và nướng trong lò nướng chuyên dụng. Nhân kem với các thành phần nguyên liệu được nhập khẩu, kết hợp với hạt vani đen của nước Pháp, Socola của Bỉ, bột Trà xanh hảo hạng của Nhật Bản hay những trái dâu tây tươi ngon nhất, tất cả tạo nên hương vị su kem mát dịu tự nhiên, hương thơm nhẹ nhàng, rất tốt cho sức khỏe.


Nhân kem luôn được trữ ở nhiệt độ lạnh dưới 4 độ C để duy trì sự tươi mát cao nhất. Điều đặc biệt ở bánh su kem Beard Papa's khác với những loại bánh su kem khác đó là hàm lượng Calories rất thấp (200kcal/cái)


Ngay sau khi nhận được đặt hàng của Quý khách, chúng tôi sẽ bơm nhân kem tươi vào trong vỏ bánh vàng giòn. Đây là 1 hình thức phục vụ mở của Beard Papa's. Bởi vì Beard Papa's luôn muốn gửi những yêu thương và sự tôn trọng tới từng khách hàng tới mua bánh. Khi lớp nhân kem và lớp vỏ bánh kết hợp với nhau, chúng sẽ tạo ra hương vị nhẹ nhàng, giòn tan trong miệng khiến người ta phải say mê…

Địa chỉ Beard Papa's store tại tầng B3-21, Vincom Center B (cũ), 72 Lê Thánh Tôn, Q1 và Tầng G, Lotte Mart, Quận 7. Số Đt đặt bánh và giao hàng là 08 393695955

Cách làm hoa thiên lý trộn mực xé

món ăn chơi không dầu, mỡ, dễ thực hiện, lạ miệng, giúp giải nhiệt, có rất nhiều loại dinh dưỡng như vitamin C, B1 và khoáng chất… tốt cho sức khỏe.


Nguyên liệu:

- Hoa thiên lý: 300g;
- Khô mực: 100g;
- Rau húng lủi: 1 ít;
- Tỏi băm, ớt băm; Hạt điều rang; Hành phi, ớt cắt sợi; Nước mắm, đường; Hạt nêm; Giấm gạo

Cách làm:

- Hoa thiên lý rửa sạch, cắt bỏ phần cọng cứng. Đun sôi có nêm 1 ít hạt nêm, cho hoa thiên lý vào chần sơ, vớt ra ngâm vào nước đá, để ráo.

- Khô mực nướng, xé sợi nhuyễn, cho vào chiên vàng giòn. Hạt điều rang vàng, giã nhỏ. Rau húng lủi cắt nhỏ.

- Pha nước mắm trộn gỏi: trộn đều 3M giấm gạo với 2M đường, 2M nước mắm, 1M tỏi bằm và 1M ớt băm.

- Trộn hoa thiên lý và mực với nước trộn gỏi, thêm hạt điều, rau húng lủi, hành phi và ớt cắt sợi vào, trộn đều.

- Bày gỏi ra dĩa, rắc thêm hạt điều, trang trí với ớt cắt sợi và rau húng lủi.

Mách nhỏ:

Nên chọn mực tẩm gia vị nguyên con sẽ ngon hơn, chiên mực vừa vàng để mực giòn mà không bị đắng. Hoa thiên lý chỉ chần nhanh rồi vớt ra cho ngay vào nước lạnh để giữ màu xanh của hoa.


Theo Gia đình

Cách làm gỏi nấm

Gọi là gỏi nấm nhưng không phải chỉ có rau và nấm, mà còn có cả phi lê cá chiên giòn nữa. Xà lách, nấm các loại và bắp hạt trộn lẫn vào nhau tạo vị ngọt thơm, phi lê cá chiên thì giòn giòn bùi bùi ăn vào ghiền ơi là ghiền và đặc biệt nhất là vị nước mắm chua ngọt đậm đà vừa ăn.


Nguyên liệu:

- Nấm linh chi : 50g;
- Nấm kim châm : 50g;
- Cá lóc phi lê : 100g;
- Xà lách tím : 25g;
- Xà lách xanh : 25g;
- Bắp mỹ hạt : 20g;
- Rau răm : 10g;
- Hành tây : 1/4 củ;
- Ớt băm, ớt cắt sợi, hành phi, hạt điều rang; Nước mắm, đường, dầu ăn; Bột chiên gà giòn; Giấm gạo lên men

Cách làm:

- Cá làm sạch, cắt lát mỏng, tẩm bột chiên gà giòn, chiên chín vàng, vớt ra để ráo.

- Nấm các loại làm sạch, luộc vừa chín trong nước có ít muối, vớt ra để ráo. Xà lách cắt miếng vừa ăn. Bắp luộc chín. Hạt điều giã sơ. Rau răm cắt nhỏ. Hành tây bào mỏng.

- Pha nước trộn gỏi, trộn đều 4M giấm gạo lên men với 3.5M đường và 2M nước mắm, thêm 1M ớt băm và 1M hành phi.

- Cho rau xà lách, nấm và rau răm vào tô, trộn đều với nước trộn gỏi, xếp ra dĩa, cho cá và bắp hạt lên trên, rưới thêm ít nước trộn gỏi lên cá, cuối cùng rắc hạt điều và hành phi lên trên. Trang trí với ớt cắt sợi.

- Ăn kèm bánh phồng tôm hay bánh đa nướng.

Mách nhỏ:

Trước khi ăn mới trộn gỏi để các nguyên liệu không bị mềm khi dùng sẽ ngon hơn.Trụng sơ nấm qua nước thật sôi, vớt ra ngâm nước lạnh và vắt thật ráo để giữ độ giòn của nấm.


Theo Gia Đình

Cách làm cánh gà nướng trộn sốt ngon

Với lớp vỏ giòn giòn và phần sốt đậm đà, món cánh gà nướng trở nên vô cùng hấp dẫn.


Chuẩn bị những nguyên liệu sau:


- 900g cánh gà
- 125ml dấm balsamic (một loại dấm ngọt)
- 125ml mật ong
- 113g đường nâu
- 63ml xì dầu
- 5 cây lá hương thảo
- 5 tép tỏi (cắt làm đôi)
- 30g mè trắng
- 63g ngò xắt nhỏ

Đến phần hành động:

Bước 1:
- Đầu tiên, bạn trộn đều dấm balsamic, đường nâu và xì dầu.


Bước 2:
- Cho cánh gà, lá hương thảo và tỏi vào một túi nylon dày và lớn.


Bước 3:
- Đổ phần nước gia vị vừa pha vào, lắc đều rồi cho vào tủ lạnh trong 2 tiếng.


Bước 4:
- Sau đó, các bạn lấy gà ra, đổ phần nước sốt vào một nồi riêng.
- Xếp gà vào khay nướng lót giấy bạc, nướng ở 230 độ C trong 30 đến 35 phút cho đến khi gà có màu nâu và giòn.


Bước 5:
- Đun sôi phần nướng sốt, sau đó đun lửa liu riu trong 15 phút, đến khi nước đặc lại.
- Phết phần nước sốt này lên cánh gà, rắc mè và ngò lên trên là hoàn thành rồi đó!


Cánh gà nướng giòn tan hấp dẫn của chúng mình đã sẵn sàng để thưởng thức!


Phần vỏ ngoài giòn giòn hòa với sốt ngòn ngọt, thật hấp dẫn các bạn nhỉ!

Cùng bắt tay làm thử thôi nào!


Theo MASK

Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

Cách làm salad tím hồng lãng mạn cho bữa tối

Cũng như với các món salad khác, cách làm salad màu tím hồng này thực ra lại vô cùng đơn giản, bạn sẽ thử ngay chứ?


Với cách làm salad này bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau:


- 5 củ dền đỏ cỡ vừa
- 3 củ khoai tây lớn
- 3 củ cà rốt nhỏ
- 3 củ hành tây tím cỡ vừa
- 7 đến 10 quả dưa chuột muối
- 350gram hạt đậu Hà Lan
- 150ml dầu ôliu, 50ml giấm, 1 thìa muối bột, 1kg muối hạt và chút hạt tiêu (nếu thích)

Bước 1:
Món salad tím hồng này hấp dẫn nhất ở hương vị củ dền đỏ nướng kĩ, vì thế bạn cần tỉ mỉ chút trông khâu sơ chế. Trước tiên bạn rửa sạch củ dền đỏ, lau khô bằng khăn giấy, bọc từng củ vào giấy nhôm và dùng mũi dao nhọn đâm rải rác vài khe xuyên qua giấy vào tới củ dền. Sau đó bạn đổ một lớp muối hạt khá dày (2cm) vào khay nướng. Muối sẽ hỗ trợ cho việc tăng truyền nhiệt. Đặt các củ dền bọc giấy bạc lên khay muối và nướng 2 tiếng trong lò với nhiệt độ 200 độ C.

Khoai tây và cà rốt chỉ cần gọt vỏ luộc chín. Hạt đậu Hà Lan thậm chí chỉ cần luộc qua trong 5 phút. Tất cả để nguội tự nhiên sau khi luộc. Còn hành tây thì gọt bỏ vỏ.



Bước 2:
Đổ dầu ô liu ra bát con, trộn cùng giấm, muối, hạt tiêu.


Bước 3:
Sau khi củ dền đỏ nướng được để nguội tự nhiên, bạn bóc bỏ lớp vỏ bạc, bỏ vỏ ngoài, thái lát rồi xắt hạt lựu, trộn 1/3 số dầu (đã chế biến ở bước 2) vào đảo đều. Dưa chuột muối cũng được xắt hạt lựu và đổ vào sau, trộn đều nhẹ nhàng.


Bước 4:
Khoai tây, cà rốt, hành tây cũng được thái lát rồi xắt hạt lựu, đổ chung vào một tô lớn, thêm đậu Hà Lan và toàn bộ số dầu còn lại vào rồi đảo đều. Nếu chưa ăn ngay bạn bảo quản salad trong ngăn mát tủ lạnh. Khi nào dùng tới thì bạn mới trộn đều củ dền đỏ vào cùng phần củ quả còn lại.



Món salad tím hồng này không chỉ bắt mắt với màu sắc tự nhiên và ấn tượng của nó mà còn hấp dẫn bạn chính ở vị củ dền đỏ nướng thơm phức và rất ngọt ngào cho dù khi làm salad bạn không cho thêm chút đường nào vào salad. Một món chay rất tuyệt phải không nào? Với cách làm salad đơn giản tuy nhiên lại mất khá nhiều thời gian, mỗi lần làm salad này bạn nên làm nhiều nhé bởi cả nhà sẽ vô cùng thích thú với món ăn này.


Chúc bạn hài lòng với sự tự nhiên của màu sắc và hương vị trong món salad cực kỳ bổ máu này!

Theo Afamily