Món ăn ngon

Cách làm các món ăn ngon cho bạn và gia đình một bữa ăn ngon và ấm áp.

Địa điểm ăn uống

Cùng gia đình và bạn bè có những bữa ăn ngon và ấm cúng tại những địa điểm ăn uống yêu thích

Mẹo vặt nấu ăn

Cập nhật ngay những mẹo vặt giúp bạn nấu ăn ngon và nhanh.

Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

Cách làm cháo mực khô cho ngày mát trời

Món cháo lạ miệng được nấu đơn giản rất hợp cho ngày thời tiết dễ chịu mà bạn muốn đổi vị cho cả nhà.


Nguyên liệu:

- 2-3 con mực khô to hơn bàn tay
- 1/2 bát con gạo tẻ
- 1/4 bát con gạo nếp
- Tiết lợn
- 1 củ gừng
- Hành lá, muối, hạt tiêu, hạt nêm, nước mắm
- Hành khô, rượu trắng
- Ăn kèm với quẩy hoặc hột vịt bách thảo
- Giá đỗ.

Cách làm:

Bước 1:
- Mực khô rửa sạch, ngâm vào âu nước lọc có pha một ít rượu trắng khoảng 30 phút để mực mềm. Bạn có thể dùng râu mực để hầm với xương.


Bước 2:
- Trộn lẫn gạo tẻ và gạo nếp, vo sạch, để ráo.
- Cho một ít dầu ăn vào nồi nhỏ, phi hành thơm, cho hỗn hợp gạo vào rang sơ khoảng 5-7 phút.


Bước 3:
- Đổ nước lọc hay nước hầm từ xương vào nồi gạo rang, đun lửa nhỏ để hạt gạo chín mềm và nở.


Bước 4:
- Gừng cạo vỏ, rửa sạch, thái sợi.
- Giá đỗ rửa sạch, để ráo nước.


Bước 5:
- Mực khô sau khi đã ngâm mềm, rửa lại cho thật sạch, dùng kéo cắt sợi vừa ăn.


Bước 6:
- Đun nóng một ít dầu ăn, phi hành, gừng thơm, cho mực khô vào xào, rưới vào một ít nước mắm, đường.


Bước 7:
- Tiết lợn luộc sơ, cắt quân cờ vừa ăn.


Bước 8:
- Nồi gạo ở bước 3 sau khi ăn thử hạt gạo đã nở và mềm, bạn nêm vào nồi một ít muối và lần lượt cho mực khô đã xào ở bước 6 vào nồi.


Bước 9:
- Đun lửa thật nhỏ và dùng muôi khuấy nhẹ để hỗn hợp gạo không bị dính ở đáy nồi.
- Cho tiếp tiết lợn vào đun cùng, nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn, đun lửa nhỏ.


Bước 10:
- Đun đến khi nồi cháo vừa ý theo sở thích của bạn, tắt bếp thêm hành lá thái nhỏ vào.
- Múc cháo ra bát dùng kèm với quẩy hoặc hột vịt bách thảo, giá đỗ.



Theo NgoiSao

Đặc sản đất Sóc Trăng lạ mà quen

Bún nước lèo, bún tiêu, bánh ống, bánh pía... là những món ngon mà bạn nên nếm thử khi đặt chân đến Sóc Trăng.

Bún gỏi dà

Theo những người sành ăn, xuất phát điểm của món bún này là gỏi cuốn, với các thành phần như tôm, bún, rau, giá... Về sau người ta biến tấu bằng cách cho tất cả các nguyên liệu đó vào tô, trộn chung với nước chấm gỏi rồi ăn như và (lùa) cơm. Người Nam phát âm "và" thành "dà" nên món ăn có tên gọi như vậy. Lúc đầu, đây là món bún khô, sau được dùng chung với nước lèo hơi chua có pha tương hột. Nước dùng có vị ngọt thanh của xương heo, chua nhẹ của nước me và thoang thoảng hương thơm của tương hạt làm cho người ăn phải nhớ mãi.


Điều quan trọng là phải biết cách gia giảm, hài hòa các nguyên liệu với nhau để nước dùng vẫn trong, vẫn ngọt nhưng lại đậm đà. Bát bún gỏi dà hấp dẫn với tôm đỏ tươi, sườn non, thịt ba chỉ thái nhỏ, giá chần, nước lèo xâm xấp mặt cùng một ít rau xanh bên trên. Khi ăn cho ít tương xay, đậu phộng vào. Nước lèo đậm đà, thoang thoảng vị chua của me, cái béo bùi của tương xay đậu phộng làm bạn khó quên được hương vị.

Bún tiêu giò

Cũng như những món bún khác của miền Tây, tên gọi mộc mạc của món ăn bắt nguồn từ nước dùng được nấu cay nồng vị tiêu. Giò heo hoặc thịt bắp giò là nguyên liệu chính ăn kèm với món bún này. Giò heo chặt thành từng phần vừa ăn, cạo sạch lông và hầm chín. Thịt bắp thì thái thành từng lát mỏng, không nên thái quá dày vừa làm món mất đi vẻ thẩm mỹ vừa khó ăn. Ngoài thịt heo, người ta còn sử dụng thịt vịt để nấu món bún này.


Một ít giá chần, bún tươi, húng thơm, húng quế, kinh giới, hành tím thái lát, thịt bắp giò... chỉ chừng đó thôi là bạn đã có một bát bún ngon miệng cho bữa điểm tâm sáng hay lót lòng khi chiều đến. Hương vị ấm nồng trong món ăn càng ngon hơn nếu bạn ăn trong thời tiết lạnh hay trong những ngày trời mưa.

Bún nước lèo

Điểm đặc biệt là nước lèo của loại bún này luôn trong veo, không có cặn. Để có được điều đó đòi hỏi không ít công sức của người đầu bếp. Đầu tiên, cho mắm bò hóc vào nồi, thêm một lượng nước vừa đủ, đun sôi, trong suốt quá trình nấu phải canh vớt hết bọt. Cá lóc đồng, làm sạch, luộc, lóc lấy thịt. Xương cá cho vào cối giã chung với ngải bún và sả bằm, sau đó vắt lấy nước cho vào nối nước lèo. Nêm gia vị vừa ăn là được.


Khi ăn, chần sơ bún tươi qua nước sôi và cho vào bát, bên trên là các nguyên liệu như tôm, thịt phi lê cá, thịt heo quay... chan ngập nước lèo. Bún nước lèo được ăn kèm với đĩa rau sống đủ các loại như: bắp chuối, húng thơm, húng quế, hẹ, giá sống... Vị mằn mặn thơm phức của mắm, thơm giòn của thịt quay, ngọt dai của tôm tươi, thêm vài miếng cá lóc phi lê mềm tan, mùi thơm đặc trưng của ngải bún hòa quyện trong bát nước lèo trong veo đã làm nên một món ăn đặc trưng của vùng đất Sóc Trăng.

Bánh ống Sóc Trăng

Từ bao đời nay, bánh ống là món ăn vặt quen thuộc của người Khmer. Bánh ống có thể dùng làm bữa ăn sáng hoặc món ăn vặt vào buổi chiều. Bánh ống được làm từ bột gạo xay nhuyễn trộn với màu của lá dứa, đường và nước cốt dừa. Ngày xưa khuôn bánh được làm bằng ống tre cưa ngang khoảng 15cm, nhưng nay được thay thế bằng ống nhôm để tiện trong việc vệ sinh.


Ở giữa khuôn có một que tre, một đầu được gắn miếng thiếc hình tròn dùng làm đáy. Khi chế biến, người làm bánh đặt khuôn trên nắp nồi, trong nồi có chứa nước, rồi bắt đầu đổ bột vào ống như chưng cách thủy, khoảng 2 phút là bánh đã chín. Bánh chín có màu xanh của lá dứa cùng với mùi thơm dịu. Bánh chín được thêm vào dừa nạo và muối vừng.

Bánh ống phải ăn khi nóng mới thưởng thức được hết vị đậm đà. Trong đời sống của người dân miền Tây nói chung, bánh ống là món quà quê rẻ tiền mà đứa trẻ nào cũng thích.

Bánh pía

Bánh pía nổi tiếng nhất và tạo nên thương hiệu là bánh pía Sóc Trăng. Pía là âm đọc của người Triều Châu, có nghĩa là bánh. Bánh hình tròn, dẹt, còn có một tên gọi khác là bánh lột da vì lớp da bánh bên ngoài rất mỏng bọc lấy nhân bên trong là lòng đỏ trứng vịt muối, khoai, mứt các loại…


Nguyên liệu chính của bánh là bột mì được đưa vào máy và trộn đều với đường cát trắng. Nhân bánh có nhiều loại, phổ biến nhất là sầu riêng, khoai môn, đậu xanh... Tùy từng loại bánh mà người ta sẽ đặt loại nhân phù hợp. Trước khi đem nướng, người thợ thoa dầu ăn lên khay bánh rồi cho vào lò. Sau 15 phút, khi chiếc bánh chuyển sang màu vàng ươm, quyện mùi sầu riêng thơm hấp dẫn cũng là lúc chiếc bánh đã được hoàn thành.

Những chiếc bánh pía có hình dáng nhỏ, tròn, vừa phải rất tiện lợi, có thể cầm ăn. Bánh không quá bở, mềm, có độ dẻo vừa phải để khi mới ăn không tan ngay. Bánh pía Sóc Trăng không quá ngọt và không quá béo, có thể ăn lai rai không biết ngán. Những người khách phương xa đến đây, khi về ai cũng mua một ít bánh làm quà cho người ở nhà.

Cháo cá lóc rau đắng

Món ăn dân dã, đặc trưng của vùng sông nước miền Tây. Nguyên liệu nấu món này gồm cá lóc đồng và rau đắng. Cá lóc đồng sau khi làm sạch, đem luộc chín, lột da và lấy hết xương, thịt cá trắng tinh được xếp gọn gàng trên đĩa.


Thành phần làm nên gia vị cho món ăn là rau đắng. Người dân miệt vườn khi ăn món này chỉ cần đi một vòng trong vườn nhà là có đủ một rổ rau đắng tươi thơm ngon. Múc cháo ra bát, cho vào ít thịt cá lóc và thưởng thức với đĩa rau đắng tươi ngon. Bạn có thể nêm thêm một tí nước mắm, một lát chanh để món ăn thêm đậm đà, ngon miệng.


Bánh cóng đậu nành

Món bánh này có nguồn gốc từ người Khmer ở Sóc Trăng, nổi tiếng nhất là ở làng Đại Tâm (Mỹ Xuyên). Sau này, bánh được phổ biến ra nhiều tỉnh thành ở miền Tây Nam bộ, đặc biệt là Cần Thơ. Trong tiếng Khmer, bánh cóng được gọi là bánh sầy hay sài cá nại. Tên gọi của bánh được bắt nguồn từ hình dáng chiếc cóng, một dụng cụ bằng kim loại không rỉ, hình nón cụt, miệng loe, có cán cầm để chiên. Thành phần bột của nó gồm bột gạo, bột đậu nành và trứng. Nhân bánh là thịt heo băm ướp gia vị và trộn với củ hành tím xắt nhỏ và một ít đậu xanh hấp. Trên mỗi cái bánh cóng đều có tép bạc chín vàng hấp dẫn.


Chiếc bánh vừa chín đến có màu vàng đậm thật hấp dẫn, cắn một cái đã thấy vị beo béo của mỡ, vị ngọt bùi bùi của đậu xanh, đậu nành quyện với củ sắn non, thịt heo băm nhuyễn thoảng thoang mùi tiêu xay... đã làm nên hương vị độc đáo của bánh cống Sóc Trăng. Ăn kèm là các loại rau húng lủi, quế, xà lách, cải xanh… Nước chấm chua ngọt với gừng thái nhỏ, cải đỏ, cải trắng…


Theo NgoiSao

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

Kinh hoàng công nghệ "tắm trắng" thực phẩm tràn lan ở Việt Nam

Từ các loại mực ống, mực nang ươn thối, những tấm bì lợn bẩn, ôi thiu cho đến những quả dừa thâm đen sau khi bổ sẽ được “phù phép” trắng tinh, trông rất "ngon" mắt.


... Nhưng cái lợi trước mắt đó đang làm ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của hàng triệu người tiêu dùng.

Ớn lạnh công nghệ tẩy trắng dừa

Nước dừa là thức uống khá được ưa chuộng trong những ngày nóng bức. Chính vì vậy, cứ vào đầu hè là các cửa hàng bán nước dừa mọc lên như nấm, cùng với đó, công nghệ "tắm trắng" để dừa bắt mắt hơn cũng ngày càng "phát triển". Mặc dù biết là nguy hiểm, nhưng vì mải chạy theo lợi nhuận mà các tiểu thương bất chấp sức khỏe người tiêu dùng, “tân trang dừa” bằng thứ hóa chất độc hại.


Để có thứ nước mát lịm trong vỏ ngoài trắng nõn, các lái buôn dừa đã phải bỏ công gọt vỏ và... ngâm dừa vào hóa chất!


Dừa chuẩn bị được tẩy trắng tại một vựa ở bến Phú Định, quận 8 - TP.HCM

Cách đây vài tuần, anh Nguyễn Trọng Tấn, học viên một trường đại học ở quận 10, TP.HCM, mua ở căng tin trường một trái dừa tươi gọt vỏ trắng tinh. Uống xong, anh để quên trái dừa ở hộc bàn. Hôm sau vào lớp, Tấn thấy cơm dừa từ màu trắng sữa đã chuyển sang đỏ hồng. “Chắc chắn trái dừa này đã được ngâm hóa chất gì đó, chẳng biết có độc hại gì không?”, anh Tấn lo lắng.

Chuyện ngâm tẩm hóa chất làm cho dừa trắng và bắt mắt không phải là mới nhưng điều đáng nói là tình trạng này đang ngày càng phổ biến. Công đoạn làm ra quả dừa trắng khá đơn giản: Chỉ cần gọt lớp vỏ xanh cứng, hóa chất được đổ vào một thùng phi nhựa, hòa với nước. Dừa gọt vỏ xong được thả vào thùng phi hóa chất, sau 5 - 10 phút vớt ra đặt vào những giá nhựa để sẵn cho ráo nước, sau đó mang đi tiêu thụ. Nếu quả dừa sau khi gọt vỏ mà không ngâm vào hóa chất thì nhanh chóng chuyển sang màu vàng, còn trái dừa đã ngâm thì có màu trắng mướt, trông rất hấp dẫn.


Nhờ được ngâm mình trong hóa chất mà dừa được trắng đẹp và tươi lâu. (Ảnh: Thu Hòa)

Theo một chủ vựa dừa, chỉ cần ra bất kỳ cửa hàng hóa chất nào ở chợ Kim Biên (TP.HCM) cũng sẽ được giới thiệu hai loại bột màu trắng để tẩy trắng, tất cả đều không bao bì, nhãn mác với giá chỉ 125.000 đồng/kg. Mỗi thùng nước 20 lít pha với 6 muỗng bột (3 muỗng loại này, 3 muỗng loại kia) rồi ngâm dừa đã gọt vỏ vào, chờ nước thấm hết vớt lên thì dù dừa nâu xám xịt cũng trở nên trắng phau.

"Hô biến" mực ươn thối thành trắng trẻo, ngon lành

Tại nhiều chợ ở TP.HCM, đi đâu cũng thấy mực tươi bán tràn lan. Do nhìn bắt mắt nên nhiều bà nội trợ đua nhau mua mà ít ai biết rằng các sản phẩm này đã từng được sơ chế bằng đủ loại hóa chất.


Sơ chế mực trước khi bán cho khách tại khu vực chợ Hòa Bình, quận 5 - TP.HCM

Theo quan sát của PV, quy trình “hô biến” mực thành trắng tinh rất đơn giản. Những người bán hàng thản nhiên chế vào từng xô chậu một ít nước màu đục như nước vo gạo, khuấy đều. Kế tiếp, họ cho mực nguyên liệu (là những sọt mực bốc mùi hôi, ngả màu tím đen) vào xô trộn đều và ngâm cả giờ... Khi trời sáng, mực được vớt ra bán. Những con mực tím đen trước đó, giờ đã trắng phau.

Ông Giang - một người chuyên bỏ mối thủy hải sản ở TP.HCM - cho biết, mực chưa ngâm tẩm hóa chất sẽ có màu xám trắng hoặc xám đen và còn cả mai. Còn mực bán ở chợ phần lớn đã qua sơ chế bằng cách ngâm hóa chất nên người ta phải gỡ bỏ mai, màu mực thường trắng tươi.

Dân trong nghề gọi loại hóa chất này là "chất kiềm" có công dụng giữ cho con mực không bị hư hỏng và tích nước làm tăng trọng lượng (mỗi kg mực ngâm hóa chất này sẽ làm tăng trọng lượng thêm ít nhất 200 g). Trường hợp mực đã bị biến chất, người bán sẽ "xử lý" bằng cách ngâm chất tẩy trắng. Chất này không chỉ khử mùi hôi tanh (do mực đang trong quá trình phân hủy) mà còn tạo độ giòn, dai...

Không chỉ ở tràn lan ở TP.HCM, những con mực trông tươi ngon nhưng lại “đẫm” hóa chất tẩy trắng cũng rất phổ biến tại Hà Nội. Các cơ quan chức năng đã từng kiểm tra và phát hiện tại ki-ốt 05 và 08 dãy G2B, chợ đầu mối Long Biên, khoảng 10 công nhân đang dùng hóa chất làm trắng mực. Tại hiện trường có khoảng 500 kg mực tươi chuẩn bị đem ra thị trường tiêu thụ. Tất cả số mực này đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, được đựng trong các bao bì in tiếng nước ngoài với hạn sử dụng ghi năm 2005 - 2006. Theo lời khai ban đầu của các công nhân, mực đông lạnh lấy từ trong kho ra sẽ được bóc sạch, sau đó cho vào thùng có chứa nước rồi đổ nửa kg muối, 1/3 cây đá và khoảng 250 ml hóa chất hydrogen peroxide vào ngâm trong vòng 1 tiếng, sau đó rửa sạch và "biến" thành mực tươi sống, chờ tiêu thụ.


Mực đổ đầy sàn nhà trong khi chế biến - Ảnh: Thái Sơn

Khi cơ quan chức năng yêu cầu mở các kho đông lạnh thì phát hiện có nhiều máy quay ly tâm. Theo lời khai của các công nhân, trong trường hợp quá nhiều hàng, công nhân làm không xuể, mực được cho vào thùng, sau đó đổ hydrogen peroxide và dùng máy quay ly tâm quay để tẩy trắng. Vào thời điểm kiểm tra, một số máy quay vẫn đang hoạt động. Sau khi tắt máy, các dung dịch chứa trong các thùng chứa vẫn sủi lên dạng bọt như xà phòng. Ở những thùng mực đang làm dở, đoàn kiểm tra phát hiện có thùng đã bắt đầu bốc mùi thối và xuất hiện giòi, bọ.

Tẩy trắng bì lợn thối thành đặc sản

Vào khoảng tháng 1/2013, các mặt báo đồng loạt đưa tin về “công nghệ” tẩy trắng bì lợn bằng… ôxy già. Theo đó, 1 lít ôxy già tẩy trắng được… 3 tạ bì lợn.

Khi PV về thôn Bình Lương (xã Tân Quang, H.Văn Lâm, Hưng Yên), hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là những miếng da lợn đã qua sơ chế được phơi la liệt bên đường làng, trên mái nhà hoặc cạnh bờ ao.


Bì lợn được phơi trên nền sân


Người dân đang chế biến bì lợn.

Theo tiết lộ của ông C., chủ một trong những cơ sở tái chế bì lợn lớn nhất ở Bình Lương, trung bình mỗi ngày cơ sở của ông nhập khoảng 1,5 tạ bì sống và chế biến. Những ngày giáp tết thì nhiều hơn, gần 2 tạ/ngày. “Toàn bộ số bóng bì sẽ được đổ buôn cho các mối hàng quen tại chợ Đồng Xuân, chợ Hôm”, ông C. cho hay.

Quan sát cơ sở của hộ ông C., không khó để nhận thấy tình trạng mất vệ sinh nghiêm trọng. Ngay bên gian bếp vốn được dùng làm nơi sơ chế da lợn, là dòng nước thải ứ đọng đen kịt, khắp nơi bóng nhẫy mỡ lợn, nước than nhem nhuốc. Bóng bì thành phẩm chưa kịp thu gom bày la liệt khắp nền đất, gác bếp cùng đủ thứ đồ đạc, vật dụng như bao tải, quần áo, xoong nồi ruồi nhặng bu kín. Chốc chốc, hai công nhân vô tư giẫm chân lên miếng bóng bì chuẩn bị được đóng ni lông đem đi tiêu thụ. Cảnh tương tự cũng xảy ra tại nhiều cơ sở làm bóng bì khác ở Bình Lương.


Bì lợn được ngâm trong ôxy già và hóa chất tẩy trắng. Ảnh: Thiên Chương.

Qua tìm hiểu được biết, nhiều hộ làm bóng bì ở Bình Lương có hẳn bí quyết tẩy trắng và làm mất mùi của bì lợn ôi thiu.

Đầu tiên, bì lợn (còn lẫn mỡ) sẽ được xịt nước thẳng vào để rửa. Mỡ lợn được các nhân công vừa “dẫm, đạp” vừa xịt nước để rửa, tuy nhiên vẫn bốc mùi, kèm theo sạn đá dính đầy.

Sau phần rửa sạch mỡ lợn là công đoạn phân loại bì mỡ được triển khai. Loại bì nào đã sạch mỡ được vứt sang một bên, loại nào còn mỡ sẽ dùng dao vát sạch. Mỡ được tách từ bì lợn cho lên một chảo lửa ngay bên cạnh để chế biến mỡ nước, để nguội sẽ được đổ vào một can nhựa 20 lít rồi được giao cho khách hàng.

Còn những loại bì lợn sau khi cạo sạch lông, nạo bỏ toàn bộ mỡ sẽ được ngâm trong thùng ôxy già từ 2 - 3 tiếng đồng hồ. Sau khi được ngâm, bì lợn được vớt ra với màu trắng toát, sạch bong. Những vết thâm tím trên thân bì đã hoàn toàn biến mất. Đặc biệt, mùi hôi thối cũng không còn nữa.

Một nam thanh niên làm thuê cho cơ sở sản xuất bóng bì của ông C. tiết lộ: những thùng dung dịch ôxy già khi mới nhập về từ Lạng Sơn thì còn có nguyên nhãn chữ Trung Quốc trên vỏ thùng, nhưng sau đó bị bóc đi. Một lít ôxy già mua ở Lạng Sơn có giá 15.000 đồng và có thể tẩy trắng tới hơn 3 tạ bì lợn.

Thực phẩm được "tắm trắng" tràn lan trên thị trường

Càng ngày, những vụ buôn lậu, tuồn thực phẩm ôi thối vào các chợ càng được phanh phui nhiều khiến người tiêu dùng phải giật mình thon thót. Những thông tin về hàng trăm kg thịt, nội tạng thối, được tuồn vào các thành phố lớn, được tẩy trắng và phân phối ra các chợ, các quán nhậu, liên tục được đưa lên mặt báo khiến dư luận bàng hoàng.


Số thịt thối này suýt chút nữa đã lọt được vào Đà Nẵng để "tắm trắng" và tuồn vào các quán nhậu


Gà, vịt làm sẵn còn được người bán ngâm bằng thuốc tẩy để làm nhanh sạch và trông thịt trắng nõn.

Từ những món nội tạng như lòng, dạ dày lợn cho đến những thực phẩm sử dụng hàng ngày như gà, vịt làm sẵn, móng giò, bún, miến thậm chí cả những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như măng, hoa chuối, ngó sen, cũng bị "tắm trắng" để trông hấp dẫn hơn, bán cho người tiêu dùng sử dụng.


Hoa chuối thái bị thâm đen trước khi tẩy.


Cũng chỗ hoa chuối bị thâm đen ở ảnh trước, đang được ngâm bằng axit chanh hòa trong nước sau 10 phút.


Măng thường được tẩy và bảo quản bằng chất tẩy đường.


Sự thật về hóa chất "tẩy trắng", khiến thực phẩm trở nên bắt mắt

Một chuyên gia về an toàn vệ sinh thực phẩm nhận định, hóa chất tẩy trắng dừa có thể là một loại axit gốc phốt pho cộng với lưu huỳnh. Hóa chất này thấm vào ruột có thể gây ra các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa và hô hấp, còn nếu tích tụ nhiều và lâu trong người dẫn tới các bệnh lý khó lường.

Đối với những hóa chất tẩy trắng mực, TS Phạm Thành Quân, Trưởng Khoa Kỹ thuật Hóa học Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, cho biết có rất nhiều hóa chất để giữ nước được dùng trong các mặt hàng thủy sản như urê, carpopol, cellulos... Những chất này khi xâm nhập cơ thể người sẽ rất nguy hiểm vì nó không thể tiêu hóa mà tích tụ dần và gây phản ứng trong cơ thể. Các chất tẩy trắng cũng rất nguy hiểm cho hệ tiêu hóa, có thể gây nên viêm loét dạ dày, niêm mạc dạ dày.

Còn với công nghệ "hô biến" bì lợn thành đặc sản nhờ ôxy già, theo PGS-TSKH Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) nhận định, ôxy già chỉ có tác dụng tẩy trắng thực phẩm, chứ không diệt hết được các loại vi khuẩn cùng mầm lây bệnh như dịch tai xanh, viêm cầu... nên nếu dùng phải loại bóng bì được chế biến từ những con lợn mang bệnh thì hậu quả rất khôn lường.

Bên cạnh đó, việc sản xuất thủ công sẽ khiến các hộ gia đình lạm dụng việc dùng ôxy già để tẩy trắng bì lợn, như dùng nồng độ quá đậm đặc, thời gian ngâm tẩm quá lâu thì sẽ gây tác hại đến sức khỏe người tiêu dùng. “Lo lắng nhất là việc người làm bóng bì mua phải những loại ôxy già trôi nổi không rõ nguồn gốc. Người tiêu dùng khi sử dụng thực phẩm bị ngâm tẩm với những hóa chất có trong ôxy già, dễ dẫn đến các chứng như rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng tới hệ thần kinh cũng như các bộ phận trên cơ thể người".

Những hóa chất độc hại sử dụng trong chế biến thực phẩm không tác dụng trong ngày một ngày hai mà nguy hại là sự tích tụ lâu dần trong cơ thể. Các độc chất này ngấm vào cơ thể dù với hàm lượng nhỏ, nhưng chưa kịp đào thải hết lại được tích tụ thêm trong quá trình sinh hoạt hàng ngày và gây nguy cơ ngộ độc mãn tính, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe.


Theo aFamily

Cách làm bún riêu cua

Món bún riêu cua dân dã sẽ rất hợp trong những ngày hè nóng bức này đấy các bạn nhé!


Để làm món bún riêu cua bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau:

- 500g cua đồng
- 300g xương ống heo hoặc xương hom
- 3 bìa đậu phụ
- Vài cây bạc hà(dọc mùng), 300g cà chua
- Rau sống ăn kèm: xà lách, tía tô, kinh giới, rau chuối, hoa chuối
- Hành khô, hành lá, mùi tàu
- Dầu ăn, dấm bỗng, muối, gia vị, mỳ chính, mắm tôm.

Bước 1:
Cua đồng cho vào xoong xóc rửa thật sạch, lấy phần thân xay nhuyễn cùng vài hạt muối, phần mai khêu gạch để riêng. Giờ thì những hàng bán cua có máy xay rất tiện nên khi mua bạn có thể nhờ người bán làm luôn nhé!


Phần cua xay cho từng ít nước một vào bóp nhẹ, sau đó chờ thịt cua nổi lên thì lọc lấy phần nước bên trên.


Để lửa nhỏ đun sôi nước cua cho đến khi thịt cua nổi đóng bánh.


Bước 2:
Xương heo cho vào nồi nước đun sôi.


Sau đó lấy ra rửa sạch, cho vào nồi xào chung với ít gia vị.


Đến khi xương có mùi thơm thì đổ nước vào ninh, hớt bọt nếu có để nước dùng được trong.


Bước 3:
Bạc hà(dọc mùng) tước vỏ thái vát.


Đem bóp với muối cho ra hết nước, sau đó chần lại bằng nước ấm rồi vắt kiệt. Khâu này các bạn nhớ đeo găng tay vào nhé, không thì sẽ rất ngứa đấy!


Đậu phụ thái miếng vuông nhỏ. Cho vào chảo dầu rán vàng.


Vớt ra bát để riêng.


Hành khô bóc vỏ thái mỏng. Cho vào chảo dầu phi thơm. Sau đó vớt ra bát, để riêng.


Cà chua thái nhỏ. Đem xào chín cùng gia vị bằng chính dầu ăn vừa phi hành.


Khi cà chua đã chín nhuyễn thì cho gạch cua vào xào cùng đến khi gạch tan ra hết.


Hành lá, mùi tàu thái nhỏ.


Rau sống rửa sạch để ráo nước.


Bước 4:
Khi nồi cua đã nổi thành những mảng gạch rất lớn thì bạn gạt nhẹ sang một bên, sau đó đổ nước hầm xương ở bước 2 và hỗn hợp cà chua vừa xào vào. Từ từ cho dấm bỗng đến khi đạt độ chua như ý, nêm gia vị vừa ăn.


Trước khi ăn thì thả bạc hà(dọc mùng) và đậu rán vào đun đến khi sôi trở lại.


Bước 5:
Chần bún cho vào bát, rắc hành, mùi tàu và hành khô lên trên.


Sau đó chan nước ngập bún, nếu thích ăn mắm tôm có thể cho thêm một chút vào bát.


Giờ thì món bún riêu cua đã rất sẵn sàng cho ngày hè oi ả này rồi. Khi ăn bạn dọn rau sống ra ăn kèm, có thể pha thêm chút mắm tỏi rưới vào để món bún riêu cua thêm đậm đà hơn nữa nhé!


Bún riêu cua là món ăn rất hợp với mùa hè, vừa mát lại nhiều canxi nên rất được các chị em nội trợ ưa thích. Nếu không thích ăn bún thì cũng với cách nấu như trên và thêm vài quả cà là nhà mình đã có bữa tối thật ngon miêng. Chúc các bạn thành công với món ăn hết sức dân dã mà hấp dẫn này!


Theo aFamily